Bất cứ tài xế nào lái xe ô tô cũng đều phải luôn chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng cho một tình huống khẩn cấp xảy ra, trong đó việc ô tô chết máy giữa đường là một ví dụ sẽ được Anycar nói đến trong bài viết này.
Để biết được hướng giải quyết khi xe ô tô chết máy giữa đường, ở nơi hoang vắng thì tài xế phải tìm ra nguyên nhân để biết chiếc xe của mình đang gặp sự cố gì dẫn đến chết máy đột ngột. Dưới đây là tổng hợp những nguyên nhân thường gặp nhất.
Danh mục bài viết
Những nguyên nhân khiến xe ô tô chết máy
Chết máy vì hết xăng
Là một trong những nguyên nhân dễ dàng nhận biết nhất, trong khi nhiều tài xế mải lái xe mà quên đi việc để ý lượng nhiên liệu còn lại trong bình với quãng đường dự tính sẽ di chuyển. Thường khi xe còn dưới 20 lít xăng (tức sắp hết xăng) sẽ có đèn cảnh báo sắp hết nhiên liệu, nếu tài xế bỏ qua cảnh báo này không những bị chết máy giữa đường mà còn có thể gây hỏng bơm xăng.
Trường hợp tài xế phát hiện ra sắp hết xăng việc đầu tiên nên làm là xác định cây xăng gần nhất. Đặc biệt đừng cố gắng phóng như bay đến trạm xăng mà nên đi chậm, di chuyển ở tốc độ ổn định. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ô tô tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả nhất khi chạy trong tốc độ từ 56 – 72km/h. Theo những người có kinh nghiệm lái xe ô tô chia sẻ thêm, tài xế nên tắt hết những tiện ích không cần thiết khiến xế cưng của bạn tiêu hao nhiên liệu là điều quan trọng và cấp bách nhất lúc này. Có thể kể đến như: đài radio, điều hòa, sạc điện thoại cùng các thiết bị không cần thiết khác,..
Hệ thống làm mát của xe bị hỏng
Nguy cơ chết máy tiếp theo có thể kể đến là hệ thống làm mát của xe bị rò rỉ nước gây ra tình trạng thiếu nước làm mát hoặc hệ thống giải nhiệt không hoạt động đều khiến xe có nguy cơ chết máy. Theo đó, động cơ máy không được làm mát, nhiệt độ quá nóng sẽ dẫn tới máy bị bó, kẹt, vênh mặt máy và cuối cùng là dẫn tới chết máy.
Dầu bôi trơn bị cạn hoặc cháy
Tình trạng động cơ bị bám cặn hoặc bị cháy cũng có thể gây chết máy, nguyên nhân của tình trạng đó là do ô tô thay phải dầu có chất lượng kém hay quá lâu không được thay dầu. Bên cạnh đó, có một số xe bị rò dầu khiến dầu cạn cũng dẫn đến chết máy giữa đường.
Không chỉ với những người còn non kinh nghiệm lái xe mà với những người có kinh nghiệm lái xe lâu năm đôi khi cũng gặp khó khăn trong vấn đề này. Họ không biết rằng việc dầu bôi trơn động cơ bị cháy hoặc cạn sẽ khiến cho động cơ xe không được bôi trơn dẫn đến bị bó và thậm chí là không hoạt động được nửa nên gây ra chết máy.
Xe bị mất điện
Xe sẽ không thể nổ máy nếu như không có điện vào khoang máy, sự cố về điện có thể đến từ hệ thống bugi, dây cao áp, nguồn cấp điện. Nếu sử dụng quá lâu hệ thống đánh lửa có thể sẽ bị hỏng (bugi quá lâu không vệ sinh thay thế), xe ngập nước hay chuột cắn dây điện.
Lọc nhiên liệu bị tắc
Các chuyên gia xe ô tô thường khuyến khích nên vệ sinh, thay thế lọc nhiên liệu định kỳ. Bởi nhiên liệu cung cấp cho động cơ xe vốn có chứa rất nhiều tạp chất, cặn bã nếu trong một thời dài không được thay thế sẽ dễ gây ra tình trạng tắc lọc nhiên liệu, nhiên liệu sẽ không được bơm tới động cơ. Động cơ sẽ bị hoạt động quá tải sẽ yếu đi và lâu dần sẽ dẫn tới chết máy nếu nhiên liệu không được cung cấp đầy đủ cho động cơ.
Kim phun nhiên liệu bị tắc
Nếu bạn không thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng bộ lọc phun kim và lỗ kim phun nhiên liệu của xe thì lâu ngày chúng sẽ bị bám cặn bẩn gây ra tắc. Kim phun bị tắc sẽ khiến nhiên liệu cung cấp cho xi lanh thiếu hụt hoặc không thể cung cấp nhiên liệu cho động cơ dẫn tới tình trạng chết máy đột ngột.
Bộ ổn định áp suất hỏng
Bộ ổn định áp suất là một bộ phận được tạo ra từ kim loại, hình dạng của bộ phận này là hinh trụ. Bộ ổn định áp suất được gắn vào ống cấp nhiên liệu (tên khác là ống chia), với nhiệm vụ là điều chỉnh áp suất nhiên liệu truyền tới kim phun nhiên liệu ô tô sao cho phù hợp với mọi trường hợp.
Quay lại vấn đề bộ ổn định áp suất hỏng, nếu trường hợp động cơ xe đang ở nhiệt độ thấp mà xe bị chết máy đột ngột có thể là do lỗi của bộ ổn định áp suất gây ra. Theo đó, nếu bộ ổn định áp suất bị trục trặc hay hỏng sẽ khiến việc lượng nhiên liệu được điều chỉnh để cung cấp vào buồng đốt không chuẩn. Bên cạnh đó, việc hỗn hợp không khí và nhiên liệu được đưa vào động cơ có thể đặc hoặc loãng quá cũng khiến cho động cơ xe hoạt động không ổn định dễ gây ra chết máy.
Hư hỏng bộ phận bơm xăng/bơm dầu
Như đã nêu trên, bơm nhiên liệu có thể sẽ chết đột ngột do người sử dụng thường xuyên để cạn nhiên liệu. Bơm hỏng sẽ gây ra tình trạng chết máy đột ngột do nhiên liệu không được cung cấp cho buồng đốt.
Van bù ga bị lỗi
Hiện nay, hầu hết các dòng xe ô tô đều được trang bị điều hòa, van bù ga là bộ phận nằm trong hệ thống mạch điện điều khiển điều hòa. Van bù ga có tác dụng giúp duy trì và ổn định vòng tua của động cơ khi bật điều hòa. Tình trạng chết máy giữa đường sẽ xảy ra nếu xe sử dụng điều hòa nhưng van bù ga bị hỏng, lúc này hoạt động bù ga sẽ không thể thực hiện được.
Xử lý như thế nào khi ô tô đang đi giữa đường bị chết máy?
Khi xe ô tô chết máy giữa đường việc đầu tiên mà tài xế nên làm là bình tĩnh đưa phương tiện vào lề đường trước khi xe dừng lại hoàn toàn. Và tuyệt đối không để xe dừng ở làn trái ngoài cùng đặc biệt là trên đường cao tốc. Đừng quên bật đèn cảnh báo trước hoặc sau chừng 100m để các phương tiện khác chú ý.
Tiếp đến là vận dụng những kiến thức về nguyên nhân xe tắt máy đột ngột vừa nêu trên. Hãy kiểm tra qua các bộ phận cơ bản để xác định nguyên nhân xuất phát từ đâu bằng cách mở nắp ca-pô của xe (chú ý máy nóng).
Sau đó kiểm tra thật cẩn thận các loại nước như nước làm mát, dầu trợ lực, que thăm dầu xem mức dầu máy, các cực ắc quy có bị lỏng và cũng nên chú ý nhìn kỹ dây điện xem có bị chuột cắn không. Nếu xe bạn chết máy giữa nơi hoang vắng thì nên kêu gọi sự trợ giúp từ các xe khác hoặc tiệm sửa xe gần nhất hay gọi cho dịch vụ cứu hộ.