Trong thời gian mang thai, một số mẹ bầu khá lo lắng khi gặp phải tình trạng tê bì chân tay. Vậy thực chất tê bì chân tay khi mang thai là biểu hiện của vấn đề gì, có nguy hiểm không và cách xử lý như thế nào? Cùng tham khảo các thông tin dưới đây để có câu trả lời nhé!
1. Tê bì chân tay khi mang thai là biểu hiện gì
Bước sang tháng thứ 5, cùng với nhiều thay đổi của cơ thể, một số mẹ bầu còn phải chịu đựng tình trạng tê bì chân tay với cảm giác nhức nhối như bị kim châm, đôi khi là mất toàn bộ cảm giác ở tay và chân, rất khó chịu và bức bối. Đây là những biểu hiện của hội chứng nghẽn rãnh cổ tay (còn có tên gọi khác là ống cổ tay), mô tả hiện tượng các dây thần kinh ở vùng tê bị chèn ép quá mức. Tuy không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng tình trạng này vẫn gây ra nhiều khó khăn và mệt mỏi cho mẹ bầu trong sinh hoạt hàng ngày.
Tê bì chân tay thường xảy ra từ tháng 5 của thai kỳ (Nguồn: saigonhealthcare.vn)
2. Nguyên nhân tê bì chân tay ở bà bầu
2.1. Tăng cân
Nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng tê bì chân tay ở thai phụ là do sự phát triển nhanh chóng của thai nhi cũng như trọng lượng cơ thể tự nhiên của mẹ tăng đột ngột gây ra sự chèn ép lên các mạch máu, cản trở quá trình tuần hoàn máu và khiến việc lưu thông máu tới các chi khó khăn hơn, tay chân sẽ dễ bị tê mỏi.
2.2. Thiếu chất
Trong quá trình bầu bí, cơ thể mẹ cần bổ sung thêm rất nhiều dưỡng chất để nuôi lớn bào thai cũng như đáp ứng các thay đổi của cơ thể. Nếu không kịp thời bổ sung các dưỡng chất cần thiết như Canxi, Magie, các nhóm vitamin B… có thể gây ảnh hưởng đến xương khớp và các hoạt động của cơ, dây chằng gây tê bì chân tay, chuột rút.
2.3. Do sinh hoạt của bà bầu
Một số mẹ bầu có thói quen ngồi một chỗ liên tục trong thời gian dài (để sử dụng máy tính, điện thoại, xem tivi….), khi ngủ gối đầu lên tay hay lười vận động sẽ khiến máu khó lưu thông tới các chi, khiến các cơ bị căng cứng và có thể gây ra tình trạng tê bì chân tay khi mang thai.
Lười vận động, thường xuyên ngồi một chỗ là những nguyên nhân có thể gây tê bì chân tay ở mẹ bầu (Nguồn: thuocngamchan.net)
3. Triệu chứng bà bầu bị tê chân tay khi mang thai
Với chứng tê bì tay chân, ban đầu, các mẹ bầu sẽ cảm thấy hơi tê tê ở đầu ngón chân, ngón tay và từ từ lan ra các vùng xung quanh. Nếu nặng hơn, thai phụ sẽ cảm thấy như bị kim châm, kiến bò kèm theo các cơn đau nhức, nóng ran, thậm chí là mất cảm giác, rất khó chịu.
Thực tế, mẹ bầu không cần quá lo lắng bởi đây là một hiện tượng sinh lý thông thường rất hay gặp ở các phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy ngoài tê dại chân tay còn có thêm các triệu chứng bất thường khác như hoa mắt, chóng mặt, chuột rút thường xuyên, co cơ… thì rất có thể bạn đang gặp phải một bệnh khác nghiêm trọng hơn. Lúc này, bạn cần đến gặp các chuyên gia y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị nếu cần thiết.
4. Làm thế nào để giảm tê bì chân tay trong thai kỳ
4.1. Vận động cơ thể
Để giảm bớt tê bì chân tay khi mang thai, mẹ bầu nên thường xuyên tập luyện các bài thể dục nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng bầu bí của mình. Bạn có thể đi bộ hay tham gia các khóa tập Yoga cho bà bầu, vừa giúp thân thể khỏe mạnh hơn vừa giảm bớt chứng tê tay chân.
Thai phụ cũng có thể kết hợp với việc xoa bóp, massage các khớp ngón tay ngón chân để các cơ được linh hoạt hơn, tránh căng cứng dẫn đến tê. Bạn lưu ý không xoa bóp liên tục hay kéo dài, tránh gây ảnh hưởng đến xương khớp. Mẹ bầu có thể hỏi thêm ý kiến của bác sĩ hoặc sử dụng các gói massage chăm sóc mẹ bầu toàn diện để được các nhân viên chuyên nghiệp chăm sóc tốt nhất.
Vận động nhẹ nhàng giúp mẹ bầu giảm bớt các triệu chứng của tê bì chân tay (Nguồn: conlatatca.vn)
4.2. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Mẹ bầu nên điều chỉnh lại tư thế nằm hay thói quen gối đầu lên tay nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tê chân tay để có một giấc ngủ ngon hơn. Lưu ý không ngồi hoặc đứng trong một tư thế quá lâu, nên thường xuyên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng hoặc thay đổi tư thế. Mẹ cũng có thể gác tay, chân lên vị trí cao hơn khi ngồi để giúp máu được lưu thông dễ dàng. Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên mang vác những vật nặng hay xách quá nhiều đồ vì chúng có thể khiến chứng tê tay trở nên nghiêm trọng hơn.
4.3. Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Thai phụ cần chú ý áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đủ các dưỡng chất thường xuyên bị thiếu hụt trong thời gian mang thai để giảm bớt tê bì chân tay. Mẹ bầu nên thường xuyên ăn các thực phẩm giàu Canxi, Magie, bổ sung vào thực đơn các loại hoa quả sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng chứa nhiều vitamin B, C, E giúp tăng cường sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Tuyệt đối tránh xa các loại đồ uống có cồn như rượu bia và chất gây nghiện như cà phê, thuốc lá… để cơ thể được khỏe mạnh.
4.4. Khám thai định kỳ
Chắc hẳn mẹ bầu nào cũng hiểu tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ và các tuần khám thai cần lưu ý. Hãy tuân thủ tốt lịch khám thai đã được bác sĩ chỉ định cho bạn để theo dõi sát sao các diễn biến của cơ thể mẹ và thai nhi. Khi đi khám định kỳ, bạn nên báo ngay cho các bác sĩ chuyên khoa về tình trạng tê tay chân của mình nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường để được tư vấn và chẩn đoán tốt nhất.
Cần khám thai sản định kỳ (Nguồn: benhviemphukhoa.net)
5. Khi nào cần gặp bác sĩ
Một lưu ý cuối cùng cho thai phụ với chứng tê bì chân tay khi mang thai là nếu bạn cảm thấy đau nhức dữ dội và bị tê tay chân liên tục, diễn ra trong khoảng thời gian dài hay xuất hiện cảm giác tê tay do điện giật thì cần đến gặp ngay bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất vì rất có thể đây là dấu hiệu của một biến chứng nguy hiểm xảy ra trong thai kỳ. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau mà không hỏi ý kiến của các chuyên gia.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp mẹ bầu hiểu hơn về hiện tượng tê bì chân tay khi mang thai và biết cách phòng ngừa cũng như giảm bớt tác động của tình trạng này tới cơ thể mẹ. Để đảm bảo có sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé, bạn có thể tham khảo thêm các dịch vụ thai sản trọn gói ở các bệnh viện uy tín trên Adayroi để nhận được sự chăm sóc toàn diện cả trước, trong và sau khi sinh!