Là một trong những căn bệnh phổ biến và cực kỳ nguy hiểm liên quan đến mắt nhưng không phải ai cũng biết rõ về bệnh võng mạc tiểu đường. Do đó, bài viết dưới đây của Blog Adayroi sẽ chia sẻ đầy đủ những thông tin bổ ích nhất, bạn đừng nên bỏ qua nhé!
1. Bệnh võng mạc tiểu đường là gì
Khái niệm về võng mạc tiểu đường: đây chính là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao, gây hại cho mặt sau của mắt hay còn được gọi là võng mạc. Nếu không kịp thời phát hiện để chẩn đoán và chữa trị kịp thời thì căn bệnh này sẽ dẫn đến mù lòa.
Võng mạc tiểu đường là một biến chứng của tiểu đường (Nguồn: bimemo.com.vn)
2. Các giai đoạn bệnh võng mạc đái tháo đường tiến triển như thế nào
Căn bệnh võng mạc tiến triển qua nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.
2.1. Giai đoạn nền
Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, khi đó vi phình mạch có thể dễ dàng quan sát trên lâm sàng đồng thời có hiện tượng xuất huyết trong võng mạc khiến bộ phận này bị phù lên. Giai đoạn này, bệnh nhân không cần điều trị laser mà chỉ cần tái khám hằng năm kết hợp với điều chỉnh các yếu tố có nguy cơ gây bệnh như thiếu máu, suy thận, cao huyết áp…
2.2. Giai đoạn hoàng điểm
Bước sang giai đoạn hoàng điểm, được cho là nguyên nhân phổ biến, thường gặp gây ra hiện tượng giảm thị lực ở bệnh nhân bị tiểu đường bởi hoàng điểm chính là nơi được cho là tập trung cao nhất của thị lực. Giai đoạn này của bệnh võng mạc tiểu đường sẽ xuất hiện các xuất tiết cứng xung quanh hoàng điểm kèm theo tình trạng phù.
2.3. Giai đoạn tiền tăng sinh
Trong giai đoạn này, võng mạc bị thiếu máu cục bộ, các tiểu tĩnh mạch bị biến đổi sang dạng chuỗi hạt còn các tiểu động mạch bị thu hẹp, tắc nghẽn gây ra hiện tượng xuất huyết dạng vết kèm theo những bất thường ở vi mạch… đe dọa đến chức năng thị giác của con người.
2.4. Giai đoạn tăng sinh
Giai đoạn này gây ra bởi sự tăng sinh các tân mạch bất thường, khiến cho hiện tượng xuất huyết bị tái diễn liên tục, dẫn đến hậu quả là các tổn thương võng mạc một cách trầm trọng, thậm chí rách võng mạc gây mù lòa, rất khó điều trị.
2.5. Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh
Ngược lại với tăng sinh, võng mạc tiểu đường không tăng sinh chính là hiện tượng mạch máu ở võng mạc bị tổn thương trầm trọng rồi trở nên biến dạng hoặc tắc nghẽn. Kèm theo tình trạng dịch lỏng, protein hay chất béo bị rò rỉ ra bên ngoài gây nên tình trạng phù nề, làm cho thị lực bị suy giảm rõ ràng.
Vì thế, để bệnh không phát triển nặng thì ngay từ những dấu hiệu của giai đoạn đầu tiên, người bệnh nên đến những cơ sở y tế uy tín, bệnh viện chất lượng để được thăm khám, chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
3. Nguyên nhân bị võng mạc tiểu đường
Chắc hẳn, từ tên gọi, đồng thời như đã nói, đây là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường nên nhiều người cũng đã suy đoán ra được nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này rồi nhỉ?
Những câu hỏi thường gặp về bệnh võng mạc tiểu đường (Nguồn: healthplus.vn)
3.1. Tiểu đường ảnh hưởng thế nào đến võng mạc
Đa số những bệnh nhân mắc phải căn bệnh tiểu đường sẽ có sự thay đổi ở đôi mắt sau khoảng thời gian 15-20 năm, cụ thể sẽ gây ra bệnh đục thủy tinh thể hay tăng nhãn áp. Nhưng nguy hiểm nhất chính là ảnh hưởng trên võng mạc dẫn đến mù lòa. Bởi lượng glucose (đường huyết) trong máu quá cao đồng thời lại cư ngụ một thời gian dài thì sẽ ngăn chặn các mạch máu li ti để nuôi dưỡng sức khỏe của võng mạc. Mặc dù, đôi mắt của bệnh nhân đã cố gắng tạo ra những mạch máu mới nhưng lại không thể phát triển bình thường như trước. Từ đó, sẽ gây ra hiện tượng xuất huyết, tràn dịch trong vào võng mạc làm mờ điểm nhìn và xuất hiện tình trạng phù điểm vàng.
Bệnh võng mạc tiểu đường càng diễn biến theo chiều hướng nặng nề thì càng có nhiều mạch máu bị tắc nghẽn, nhiều chất dịch lỏng thoát ra từ mạch máu sẽ tích tụ lại làm rách võng mạc. Do đó, nếu không kịp thời phát hiện, điều trị thì người bệnh có khả năng tổn thương thị giác, mù lòa vĩnh viễn.
Võng mạc tiểu đường chính là biến chứng của bệnh tiểu đường (Nguồn: caodangyduochcm.vn)
3.2. Ai có nguy cơ cao mắc võng mạc tiểu đường
Thực ra, những ai đang mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 hoặc tiểu đường tuýp 1 đều có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng khác như những người có nguồn gốc từ châu Á, phụ nữ đang mang thai, người bị huyết áp cao, có hàm lượng cholesterol cao… Cũng đều có khả năng mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
4. Dấu hiệu bệnh võng mạc tiểu đường
Thông thường, nhiều người khi bị tiểu đường cũng không hề biết rõ ràng được mình có biến chứng của bệnh võng mạc hay không? Chỉ đến khi, bệnh trở nặng với những dấu hiệu như tầm nhìn xa có vấn đề thì mới phát hiện ra. Do đó, những ai đang mắc bệnh tiểu đường thì cần quan tâm, chú ý thật kỹ đến những vấn đề, thay đổi của mắt. Nhất là khi thấy xuất hiện một số triệu chứng, dấu hiệu như dưới đây thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Mất nhận biết màu sắc: trong nhiều trường hợp hoặc thỉnh thoảng, mắt của bạn sẽ bị biến mất khả năng nhận biết, không còn phân biệt được màu sắc, sự tương phản, đối lập nữa…
Mờ mắt: luôn cảm thấy mắt bị mờ dần và thị lực suy giảm một cách đáng kể.
Mắt người bệnh sẽ luôn nhìn thấy các chớp sáng hay đốm đen xuất hiện.
Có những lần, cảm giác bị nhòe khi đang đọc sách báo, lái xe hoặc nhìn những vật ở khoảng cách xa…
Dấu hiệu của võng mạc tiểu đường (Nguồn: ydvn.net)
5. Biến chứng võng mạc tiểu đường
Có thể nói rằng, nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời, đúng lúc thì võng mạc tiểu đường sẽ gây ra những biến chứng và hậu quả thật khôn lường. Cụ thể, không chỉ khiến cho bệnh nhân không phân biệt được màu sắc, tầm nhìn bị hạn chế… mà nguy hiểm hơn sẽ là tổn thương, làm bong tróc hoặc rách bộ phận võng mạc của mắt, dẫn đến tình trạng mù lòa vĩnh viễn.
Ngoài ra, căn bệnh này còn lây lan, gây ra các bệnh nan y khác liên quan đến đôi mắt như tăng nhãn áp, glocom tân mạch… Khiến mắt luôn bị đau nhức, sưng tấy liên tục trong một thời gian dài và rất khó điều trị.
6. Chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường
Để có thể chẩn đoán được chính xác và rõ ràng võng mạc tiểu đường thì quy trình cụ thể sẽ là:
Đầu tiên, người bệnh sẽ được thăm khám tổng quát để đánh giá về chức năng chung của mắt thông qua bài kiểm tra thị lực, sử dụng bảng đo mắt để nhìn mọi vật ở khoảng cách khác nhau. Tiếp theo, bác sĩ nhãn khoa sẽ nhỏ một loại thuốc vào đồng tử rồi dùng kính lúp dạng đặc biệt để soi đáy mắt, chụp lại bằng ảnh màu để đưa ra những nhận định hoặc phát hiện ra tổn thương ở võng mạc.
Đây được cho là cách duy nhất để phát hiện ra căn bệnh võng mạc này. Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp, chuyên gia y tế có thể cho bạn làm một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như chụp OCT để quan sát rõ hơn hoặc chụp mạch huỳnh quang…
7. Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường
Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của ngành y khoa nên đã có rất nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị võng mạc tiểu đường.
7.1. Laser quang đông võng mạc
Tức là dùng laser để tạo ra những điểm bỏng nhỏ trên bộ phận võng mạc của mắt, từ đó làm giảm bớt nhu cầu sử dụng oxy để ưu tiên cho vùng hoàng điểm quan trọng hơn. Tùy theo từng dấu hiệu, hiện tượng, tình trạng… của bệnh, sẽ áp dụng nhiều kiểu laser hiện đại khác nhau nhằm mục đích giảm hiện tượng phù hoàng điểm hay hạn chế, ngăn chặn sự phát triển của các tân mạch bất thường đang làm tổn thương vĩnh viễn một phần của võng mạc.
Trong các kiểu laser thì laser chùm Pascal được đánh giá là một thiết bị laser quang đông võng mạc tiên tiến nhất hiện nay, khắc phục được những nhược điểm của laser khác và đã được áp dụng thành công trên thế giới.
7.2. Tiêm thuốc nội nhãn
Phương pháp thứ hai đang được áp dụng để chữa trị bệnh võng mạc tiểu đường phổ biến và hiệu quả chính là tiêm thuốc nội nhãn. Cụ thể là sử dụng corticosteroid cùng các chất ức chế sự tiến triển của nội mạc mạch máu như Avastin, Lucentis… Đây đều là những loại thuốc có tác dụng rất tốt, mang lại hiệu quả cao và an toàn trong việc phòng chống phù hoàng điểm, ngăn chặn tân mạch bất thường trên võng mạc tuy nhiên mức giá còn khá đắt đỏ. Nhưng nếu bệnh nhân có mua bảo hiểm y tế thì sẽ được chi trả một phần nào đó.
7.3. Phẫu thuật cắt dịch kính
Trong những trường hợp tình trạng võng mạc tiểu đường có xu hướng phát triển theo chiều hướng tiêu cực nặng nề hơn như xuất huyết dịch kính hay màng tăng sinh co kéo võng mạc… thì người bệnh sẽ được đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế chỉ định làm phẫu thuật. Mục đích là loại bỏ máu trong buồng dịch kính để hạn chế, ngăn ngừa những biến chứng đồng thời có khả năng phục hồi thị lực cho người bệnh tốt hơn.
8. Phòng ngừa võng mạc tiểu đường
Từ xưa, ông bà ta thường khuyên dạy rằng, nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, mỗi người nên có ý thức tự giác, chủ động đề phòng bệnh tật cho cơ thể. Đặc biệt, nếu bị tiểu đường thì bạn nên biết kiểm soát hàm lượng đường trong máu cũng như huyết áp để ngăn chặn biến chứng gây ra võng mạc tiểu đường.
Bên cạnh đó, cần áp dụng, thay đổi lối sống lành mạnh, cụ thể như sau:
Xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm xanh, sạch, an toàn, chất lượng. Không nên ăn quá no, giảm bớt lượng đường và bột trong thức ăn, tuyệt đối nên tránh xa hoặc hạn chế các sản phẩm từ sữa hay thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật…
Luôn luôn chú ý theo dõi lượng đường huyết trong cơ thể của mình.
Thường xuyên, chịu khó duy trì luyện tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày để tránh stress, áp lực, mệt mỏi…
Tăng cường đi khám sức khỏe mắt định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng… của bệnh.
Khám sức khỏe mắt định kỳ rất cần thiết (Nguồn: hstatic.net)
Không giống như nhiều căn bệnh liên quan đến mắt, bệnh võng mạc tiểu đường gây ra những biến chứng, hậu quả cực kỳ nguy hiểm, trầm trọng. Do đó, hy vọng từ những thông tin bổ ích mà bài viết trên đã chia sẻ thì mọi người sẽ có thêm nhiều kiến thức mới mẻ trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình và gia đình một cách toàn diện, hiệu quả nhất.