Bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ, một trong những loại bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Vậy đây là căn bệnh như thế nào? Nguyên nhân và triệu chứng gây bệnh là gì? Nên đi khám bệnh ở đâu tốt? … Cùng tìm hiểu những vấn đề này qua bài viết dưới đây.
1. Bệnh tăng động giảm chú ý là gì?
Đây là loại bệnh rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em. Trẻ mắc bệnh này thường có những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Độ tuổi phổ biến hay mắc bệnh là trẻ từ 8 đến 11 tuổi và thông thường bé trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần bé gái. Bệnh sẽ có xu hướng giảm dần khi trẻ trưởng thành. Trẻ mắc bệnh này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí não, làm giảm khả năng tập trung trong học tập cũng như khó khăn trong quan hệ với mọi người.
Bệnh tăng động giảm chú ý là gì? (Nguồn: baomoi.com)
2. Triệu chứng của bệnh tăng động giảm chú ý
Bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ có những dấu hiệu và triệu chứng phức tạp và khó nhận biết. Các triệu chứng có thể xuất hiện từ trước khi trẻ 7 tuổi. Việc nhận biết và phát hiện sớm các triệu chứng tăng động sẽ có lợi rất nhiều trong chữa trị bệnh cho trẻ.
2.1 Không có khả năng nhận ra nhu cầu và mong muốn của người khác
Những trẻ bị căn bệnh này sẽ thường có hành động như cắt ngang lời nói của người khác khi họ đang nói chuyện. Hoặc trong các hoạt động tập thể, trẻ cũng rất khó tập trung và kiên nhẫn chờ đến lượt của mình.
Trẻ thường khó tập trung và kiên nhẫn khi chờ đợi (Nguồn: baomoi.com)
2.2 Mất tập trung liên tục
Nếu cha mẹ thấy trẻ thường có biểu hiện không tập trung vào bất kỳ câu chuyện hay hoạt động nào thì cũng cần lưu ý. Rất có thể đó là một dấu hiệu của chứng bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ.
2.3 Gặp rắc rối khi chờ tới lượt
Trẻ bị tăng động sẽ luôn có cảm giác khó chịu khi phải chờ đợi đến lượt của mình trong bất kỳ hoạt động nào. Trẻ sẽ khó có thể kiên nhẫn đứng im và chờ đợi.
2.4 Rối loạn cảm xúc
Trẻ cũng khó có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Những cơn giận dữ có thể bùng phát bất kỳ lúc nào vì những lý do không đáng có.
2.5 Lo lắng
Bệnh tăng động giảm chú ý của trẻ cũng sẽ có biểu hiện như lo lắng, bồn chồn, “đứng ngồi không yên”. Trẻ sẽ luôn chạy xung quanh, không hề ngồi yên một chỗ. Hoặc khi bị bắt ngồi im chúng luôn cố gắng ngọ nguậy, vặn vẹo như đang rất khó chịu.
2.6 Gặp vấn đề với việc vui chơi yên lặng
Việc ngồi lặng lẽ và im lặng khi tham gia một hoạt động giải trí nào đó dường như là vấn đề rất khó với trẻ gặp chứng bệnh này. Sự im ắng có thể khiến chúng cảm thấy khó chịu và bứt rứt.
2.7 Làm dở dang mọi thứ
Do không có khả năng tập trung vào bất kỳ việc gì nên mọi việc hay mọi hoạt động sẽ trở nên dở dang. Chúng sẽ thường bỏ dở những nhiệm vụ hay hoạt động của mình khi thấy một điều khác hay ho hơn.
Trẻ không tập trung và khó hoàn thành công việc (Nguồn: phunutoday.vn)
2.8 Không thể tham gia các hoạt động đòi hỏi sự kiên nhẫn
Không có khả năng tập trung, không chịu ngồi yên một chỗ, vậy nên trẻ bị tăng động rất khó tham gia các hoạt động đòi hỏi sự kiên nhẫn, chú ý như nghe giảng trong lớp hay làm bài tập về nhà.
2.9 Bất cẩn
Một triệu chứng khác của bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ đó là sự bất cẩn. Trẻ thường gặp khó khăn khi làm theo các hướng dẫn yêu cầu lập kế hoạch hay thực hiện kế hoạch. Đó cũng là biểu hiện của sự bất cẩn, lười biếng hoặc thiếu thông minh.
2.10 Vô tổ chức
Vô tổ chức cũng là một triệu chứng điển hình của bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ. Trẻ sẽ khó thực hiện các nhiệm vụ hay hoạt động theo một kế hoạch có sẵn. Điều này thường thấy trong các hoạt động ở trường lớp, các bài tập về nhà của trẻ.
2.11 Mơ mộng
Ở một số trẻ bị tăng động, giảm chú ý khác lại có biểu hiện không thích sự ồn ào. Thay vào đó trẻ sẽ yên tĩnh, mơ mộng và ít tham gia các hoạt động hơn. Chúng thường không chú ý tới những gì đang diễn ra xung quanh.
Trẻ có thể hay mơ mộng, không thích sự ồn ào (Nguồn: baomoi.com)
3. Nguyên nhân của rối loạn tăng động giảm chú ý
Bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não của trẻ. Vậy bệnh do những nguyên nhân nào gây nên?
3.1 Do di truyền
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng gen có thể đóng vai trò trong việc gây bệnh ở trẻ. Vì vậy trong gia đình có cha mẹ, anh chị em đã từng bị chứng bệnh này thì nguy cơ gặp phải chứng bệnh này cao gấp 5 lần so với người bình thường.
Gen di truyền là một trong những nguyên nhân gây tăng động ở trẻ (Nguồn: laodong.vn)
3.2 Do môi trường
Một số yếu tố môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ. Chẳng hạn như trẻ tiếp xúc với môi trường có chứa nhiều chì hay các chất độc hại khác, đặc biệt là trong vòng 3 năm đầu đời. Hay trẻ sống trong môi trường sống có nhiều tiếng ồn cũng sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn.
3.3 Vấn đề trong quá trình phát triển
Những vấn đề xảy ra đối với hệ thần kinh của trẻ trong quá trình phát triển cũng sẽ là tác nhân gây bệnh tăng động ở trẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy đa số các trẻ tăng động đều có những rối loạn nhất định trong hệ thống dẫn truyền thần kinh, đặc biệt liên quan đến sự thiếu hụt nồng độ GABA – một chất dẫn truyền thần kinh ức chế quan trọng của não bộ.
3.4 Sử dụng rượu hoặc thuốc lá khi mang thai
Việc người mẹ sử dụng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường có chứa các loại chất độc hại này trong khi mang thai thì khả năng trẻ sinh ra bị tăng động cũng rất cao.
3.5 Chấn thương não
Là một rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ, vậy nên bệnh có được hình thành do một chấn thương nào đó trong não bộ của trẻ như khối u não, viêm màng não, chấn thương đầu…
3.6 Sinh non hoặc thai nhi nhẹ cân
Những rối loạn tăng động sẽ gặp nhiều hơn với những trẻ sinh non thiếu tháng hoặc nhẹ cân hơn so với mức bình thường,….
4. Khám bệnh tăng động giảm chú ý
Việc khám bệnh tăng động giảm chú ý đối với trẻ em cần phải trải qua những giai đoạn sau đây:
Trao đổi với cha mẹ về hành vi thường ngày của trẻ (Nguồn: bookingcare.vn)
Thu thập thông tin: Bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ chủ yếu được chẩn đoán thông qua việc quan sát hành vi, tính cách thường ngày của trẻ. Vì vậy, việc thu thập thông tin về triệu chứng bệnh, độ tuổi, môi trường sống, tính cách của trẻ,… Là vấn đề hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, bất kỳ vấn đề y tế, học bạ, bệnh sử cá nhân và gia đình cũng sẽ là những tài liệu đắt giá phục vụ cho việc thăm khám và chữa bệnh. Hãy thực hiện phỏng vấn hoặc thực hiện các bảng câu hỏi khảo sát dành cho các thành viên gia đình, giáo viên hoặc những người khác biết trẻ, chăm nom trẻ để có được những câu trả lời chính xác hơn về trẻ.
Chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm khác: Các xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh não bộ cũng rất cần thiết trong trường hợp bệnh này. Ngoài ra việc làm này còn giúp loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây nên các triệu chứng của bệnh.
Phỏng vấn người thân, người thường xuyên chứng kiến những biểu hiện của người bệnh: Đây cũng là một trong những cách giúp thu thập thông tin một cách cụ thể và chính xác hơn về tính cách và hành vi của trẻ. Những người thường xuyên bên cạnh, sát sao với trẻ như thầy cô cha mẹ sẽ biết được những hành vi của trẻ ở nhà cũng như trường học. Để từ đó có được những thông tin chính xác nhất, giúp xác định triệu chứng của bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ một cách hiệu quả hơn.
5. Bệnh tăng động giảm chú ý chữa ở đâu tốt?
Bệnh tăng động giảm chú ý sẽ để lại rất nhiều hậu quả xấu cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy cha mẹ có thể tham khảo một số cơ sở y tế uy tín với dịch vụ khám nhi chuyên khoa chất lượng dưới đây để chủ động hơn trong điều trị bệnh cho trẻ.
Bệnh viện Nhi Trung ương (Nguồn: bookingcare.vn)
Bệnh viện Nhi Trung ương: Đây là một cơ sở khám chữa bệnh uy tín và chất lượng dành cho đối tượng trẻ em. Khoa tâm lý tại bệnh viện được thành lập từ năm 1983, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, khoa không ngừng phát triển và lớn mạnh với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao. Đặc biệt, khoa còn hợp tác với nhiều chuyên gia từ Hoa Kỳ, bệnh viện Hoàng Gia Melbourne từ Úc, tổ chức hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển, cập nhật nhiều phương pháp mới trong điều trị các loại bệnh tâm lý cho trẻ em, trong đó có chứng tăng động giảm chú ý.
Bệnh viện Bạch Mai: Là một trong những bệnh viện đầu ngành của cả nước, bệnh viện Bạch Mai cũng là địa chỉ khám chữa bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ em mà cha mẹ nên tham khảo. Tại đây, bố mẹ có thể cho trẻ khám tại khoa Thần kinh – Tâm bệnh hoặc Trung tâm phục hồi chức năng.
Bệnh viện Quân y 103: Khoa Thần kinh bệnh viện Quân y 103 cũng là địa chỉ mà bố mẹ có thể lựa chọn để thăm khám tình trạng bệnh cho trẻ. Tại đây sau khi thăm khám các bác sĩ sẽ lựa chọn liệu pháp tâm lý phù hợp để điều trị cho trẻ. Khoa được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại, phương pháp điều trị tiên tiến chắc chắn sẽ giúp trẻ phục hồi một cách nhanh nhất.
Bệnh viện Nhi Đồng: Ở miền Nam, bố mẹ có thể thăm khám bệnh cho trẻ tại khoa tâm bệnh, thần kinh bệnh viện Nhi Đồng. Đây là địa chỉ chuyên khoa dành cho trẻ em, vì vậy luôn được cập nhật những phương pháp và cách thức chữa bệnh mới và phù hợp nhất cho các em.
Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh: Đây là một địa chỉ tin cậy trong điều trị các vấn đề liên quan đến thần kinh và tâm lý. Đặc biệt tại đây có khoa Tâm lý tâm thần trẻ em với hơn 20 năm hoạt động nên có nhiều kinh nghiệm trong điều trị, chữa bệnh cho trẻ em.
Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở, dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà ở Hà Nội hay Hồ Chí Minh mà bố mẹ có thể tham khảo trong việc điều trị bệnh cho trẻ một cách thuận tiện, dễ dàng hơn.
Bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ rất khó phát hiện và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy nên hy vọng với những thông tin về bệnh trên đây, bố mẹ sẽ phần nào hiểu rõ hơn về loại bệnh này và kịp thời có biện pháp điều trị một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, hãy đưa bé đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để nhận biết được tình trạng sức khỏe của bé một cách tốt nhất.