7 liệu pháp điều trị tự kỷ giúp cải thiện chức năng xã hội, học tập và chất lượng cuộc sống cho cả trẻ em và người lớn mắc bệnh tự kỷ.
1. Bệnh tự kỷ là gì?
Rối loạn phổ tự kỷ là một hội chứng ảnh hưởng đến cách cư xử, hòa nhập xã hội hay tương tác của một người với những người khác. Nó từng được chia thành các kiểu rối loạn khác nhau như hội chứng Asperger. Hiện nay nó được coi là một hội chứng phổ có triệu chứng và mức độ nghiêm trọng ở phạm vi rộng.
Mặc dù hiện nay bệnh này được gọi là rối loạn phổ tự kỷ, song nhiều người vẫn thường sử dụng thuật ngữ “tự kỷ”.
Vẫn chưa có phương pháp chữa dứt điểm tự kỷ, nhưng có nhiều cách tiếp cận có thể giúp cải thiện chức năng xã hội, khả năng học tập và chất lượng cuộc sống cho cả trẻ em và người lớn mắc bệnh tự kỷ. Hãy nhớ rằng tự kỷ là một tình trạng có tính chất phổ (dao động và không nhất quán). Một vài người có thể cần rất ít hoặc thậm chí không cần điều trị, trong khi một số khác đòi hỏi những liệu pháp chuyên sâu.
Một điều quan trọng cần nhớ là nhiều nghiên cứu về điều trị tự kỷ tập trung vào trẻ em. Điều này phổ biến do những nghiên cứu đã có từ nguồn tin cậy đề xuất rằng việc điều trị có hiệu quả nhất bắt đầu trước tuổi thứ 3. Tuy thế, nhiều phác đồ điều trị thiết kế cho trẻ em vẫn có thể giúp ích cho người trưởng thành.
Hãy đọc tiếp để hiểu thêm về các phương pháp tiếp cận điều trị khác nhau cho bệnh tự kỷ.
Tự kỷ là một tình trạng có tính chất phổ (Nguồn: tretuky.org.vn)
2. Các phương pháp điều trị tự kỷ
2.1 Ứng dụng phân tích hành vi
Ứng dụng phân tích hành vi (Applied behavior analysis – ABA) là một trong những phương pháp điều trị tự kỷ được sử dụng rộng rãi nhất cho cả người trưởng thành và trẻ nhỏ. Nó dựa vào một chuỗi những kỹ thuật được thiết kế nhằm khuyến khích các hành vi tích cực sử dụng hệ thống phần thưởng.
Có nhiều phương thức ABA khác nhau, bao gồm:
Huấn luyện thử nghiệm riêng rẽ. Kỹ thuật này sử dụng một chuỗi những thử nghiệm nhằm khuyến khích việc học từng bước một. Những hành vi và câu trả lời đúng sẽ được thưởng, đồng thời các sai sót được lờ đi.
Can thiệp sớm và chuyên sâu vào hành vi. Trẻ nhỏ, thường trong giai đoạn dưới năm tuổi, thực hành một- một với chuyên gia tâm lý hoặc trong một nhóm nhỏ. Thường phải mất nhiều năm cho khóa điều trị này để giúp một đứa trẻ phát triển khả năng giao tiếp và giảm thiểu những hành vi khó giải quyết, bao gồm hung hăng hay tự hại bản thân.
Huấn luyện phản hồi trọng tâm. Đây là chiến lược sử dụng trong môi trường sống hàng ngày của một người, dạy cho họ các kỹ năng chủ đạo như động lực học tập hay giao tiếp vỡ lòng.
Can thiệp hành vi ngôn từ. Một chuyên gia tâm lý thực hành với bệnh nhân nhằm giúp họ hiểu được lý do và cách con người sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và có được thứ họ muốn.
Hỗ trợ hành vi tích cực. Điều này liên quan đến việc tạo ra những thay đổi về môi trường từ nhà đến lớp học nhằm tạo ra cảm giác được thưởng nhiều hơn khi trẻ thực hiện các hành vi tốt.
2.2. Liệu pháp hành vi nhận thức
Liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioral therapy – CBT) là một kiểu liệu pháp trò chuyện có hiệu quả trong điều trị tự kỷ cho trẻ em và người trưởng thành. Trong các liệu trình CBT, người bệnh học về sự kết nối giữa cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Điều này có thể giúp xác định suy nghĩ và cảm xúc nào kích hoạt các hành vi tiêu cực.
Một bài đánh giá từ nguồn đáng tin cậy năm 2010 cho hay CBT đặc biệt có lợi trong việc giúp người mắc chứng tự kỷ kiểm soát lo âu. Nó cũng có thể giúp họ nhận diện tốt hơn cảm xúc ở người khác và đương đầu với những tình huống xã hội hiệu quả hơn.
2.3. Huấn luyện kỹ năng xã hội
Huấn luyện kỹ năng xã hội (Social skills training – SST) là một cách cho mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ, phát triển kỹ năng xã hội.Với một số người mắc chứng tự kỷ, việc tương tác với người khác vô cùng khó khăn.Điều này có thể dẫn đến nhiều thử thách về lâu dài.
Một người trải qua liệu trình SST sẽ học những kỹ năng xã hội cơ bản, bao gồm cách duy trì một cuộc hội thoại, hiểu được sự hài hước, và đọc được những tín hiệu cảm xúc. Mặc dù phương pháp này thường được dùng cho trẻ em, song SST cũng có hiệu quả với thiếu niên và người trẻ trong độ tuổi 20.
Hiện có nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị tự kỷ ở trẻ em và người lớn (Nguồn: akfconnectingdots.com)
2.4. Liệu pháp tích hợp giác quan (Sensory integration therapy – SIT)
Những người mắc chứng tự kỷ đôi lúc bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các giác quan đầu vào, như thị giác, thính giác hay khứu giác. Liệu pháp tích hợp giác quan dựa trên một lý thuyết cho rằng việc các giác quan bị khuếch đại khiến cho việc học và biểu hiện những hành vi tích cực trở nên khó khăn.
SIT thậm chí nỗ lực tách phản hồi của một người ra khỏi kích thích giác quan. Việc này thường do các chuyên gia trị liệu thực hiện và dựa vào các trò chơi, như vẽ trên cát hay nhảy dây.
2.5. Liệu pháp nghề nghiệp (Occupational therapy – OT)
Liệu pháp nghề nghiệp là một lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tập trung vào việc dạy cho trẻ nhỏ và người trưởng thành các kỹ năng nền tảng mà họ cần trong cuộc sống thường ngày.Với trẻ em, nó bao gồm các kỹ năng vận động tinh, kỹ năng viết và kỹ năng tự chăm sóc bản thân.
Với người trưởng thành, OT tập trung vào việc phát triển kỹ năng sống độc lập, như nấu ăn, dọn dẹp và kiểm soát tài chính.
2.6. Liệu pháp ngôn ngữ
Liệu pháp ngôn ngữ dạy những kỹ năng ngôn ngữ có thể giúp người mắc chứng tự kỷ giao tiếp tốt hơn. Liệu pháp này thường do một nhà bệnh lý học ngôn ngữ hoặc một chuyên gia điều trị thực hiện.
Liệu pháp này có thể giúp trẻ em cải thiện tốc độ và nhịp điệu nói, ngoài ra còn cải thiện khả năng sử dụng từ ngữ chính xác.Nó cũng có thể giúp người trưởng thành cải thiện cách thức truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc.
2.7. Trị liệu bằng dược phẩm
Không có bất cứ một loại thuốc đặc trị nào cho bệnh tự kỷ.Tuy nhiên, nhiều loại thuốc được sử dụng cho các hội chứng khác có thể xuất hiện cùng tự kỷ có thể hữu ích trong việc giảm nhẹ các triệu chứng này.
Dược phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị tự kỷ nằm trong một số ít mục dưới đây:
Thuốc chống loạn thần. Một số loại thuốc chống loạn thần mới hiện nay có thể giúp điều trị tính hung hăng, ngược đãi bản thân và các vấn đề hành vi ở cả người lớn và trẻ nhỏ mắc tự kỷ. Tổ chức FDA gần đây đã công nhận lợi ích của risperidone (Risperdal) và apripiprazole (Abilify) trong điều trị các triệu chứng của tự kỷ.
Thuốc chống trầm cảm. Mặc dù nhiều bệnh nhân tự kỷ sử dụng thuốc chống trầm cảm, song các nhà nghiên cứu vẫn không chắc chắn là chúng có thực sự giúp giảm các triệu chứng tự kỷ hay không. Tuy vậy, thuốc này có thể vẫn hữu ích trong điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm và lo âu ở bệnh nhân tự kỷ.
Một số dược phẩm có thể hỗ trợ điều trị tự kỷ (Nguồn: nhathuoclongchau.com)
Chất kích thích. Các chất kích thích như methylphenidate (Ritalin) nói chung thường được sử dụng để điều trị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), song chúng cũng có thể được sử dụng nhằm giảm thiểu các triệu chứng tự kỷ chồng chéo, bao gồm thiếu tập trung và tăng động. Một báo cáo đánh giá năm 2022 từ một nguồn tin cậy xem xét lợi ích của dược phẩm trong điều trị tự kỷ cho rằng khoảng một nửa số trẻ em mắc tự kỷ hưởng lợi từ chất kích thích, dù một số gặp phải tác dụng phụ tiêu cực.
Thuốc chống co giật. Một số bệnh nhân tự kỷ cũng bị động kinh, do đó các loại thuốc chống động kinh đôi khi cũng được kê đơn.
3. Vậy còn những cách thức điều trị thay thế thì sao?
Có vô số những phương thức điều trị tự kỷ thay thế mà nhiều người đã thử. Tuy nhiên không có nhiều nghiên cứu thuyết phục ủng hộ các phương pháp này, và không rõ là nó có hiệu quả hay không. Một số phương pháp, chẳng hạn như liệu pháp chelation (loại bỏ độc tố và kim loại nặng ra khỏi cơ thể) có thể gây hại nhiều hơn lợi.
Dù vậy, chứng tự kỷ là một hội chứng phổ rộng có thể gây ra nhiều loại triệu chứng khác nhau. Chỉ vì một loại thuốc nào đó không hiệu quả với một người không có nghĩa là nó không có ích với một người khác. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi tìm hiểu các phương pháp điều trị thay thế. Một bác sĩ giỏi có thể giúp bạn định hướng nghiên cứu xung quanh những phương pháp điều trị và tránh xa các phương pháp có tiềm năng rủi ro cao không được khoa học chứng minh.
Các phương thức điều trị thay thế đòi hỏi nhiều nghiên cứu thuyết phục bao gồm:
- Chế độ ăn không có gluten, casein
- Chăn trọng lực
- Melatonin
- Vitamin C
- Axit béo omega-3
- Dimethylglycine
- Vitamin B6 và Ma-giê kết hợp
- Oxytocin
- Dầu CBD
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi thảo luận các liệu pháp thay thế với bác sĩ của mình, hãy cân nhắc việc tìm một chuyên gia dược phẩm để giúp bạn tìm ra liệu pháp điều trị tốt nhất. Các tổ chức phi lợi nhuận như Autism Speaks cho phép bạn tìm kiếm các nguồn thông tin về tự kỷ theo tên bang.
Cân nhắc tìm đến điều trị chuyên sâu từ bác sĩ tâm lý để có phương pháp điều trị tự kỷ phù hợp (Nguồn: amazonaws.com)
4. Kết luận
Tự kỷ là một hội chứng phức tạp chưa có phương pháp điều trị thống nhất. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp tiếp cận điều trị và dược phẩm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Hãy tìm đến bác sĩ điều trị tâm lý tìm ra kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn hay con của bạn.