OCD, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, là một trạng thái tâm thần khiến một người bị ám ảnh, suy nghĩ rối rắm, có các hành vi cưỡng chế lặp đi lặp lại hoặc cả hai.
Các loại OCD bao gồm nỗi sợ bị nhiễm khuẩn, hoàn thành bài kiểm tra, sợ làm hại người khác, ra lệnh và sắp xếp các đối tượng theo những cách cụ thể và những suy nghĩ hung hăng, bạo lực.
Cũng có những trạng thái tương tự như OCD, như rối loạn tích trữ, rối loạn cào da và rối loạn nhổ tóc. Tất cả có thể được điều trị thành công bằng liệu pháp chuyên biệt và quá trình chăm sóc bổ sung.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là bệnh tâm thần gây ra nhiều đau khổ. Nó gây ra những suy nghĩ ám ảnh không thể tự biến mất và đó thường là những suy nghĩ tiêu cực hoặc những hành vi mà bệnh nhân cảm thấy bắt buộc phải thực hiện và đấu tranh để kiểm soát hoặc giảm thiểu. OCD có thể kéo dài rất lâu, ảnh hưởng tới cuộc sống xã hội, công việc, học tập và cuộc sống hàng ngày. Đây là một loại bệnh tâm thần không hề hiếm gặp, 1,2% dân số Mỹ trưởng thành đang phải vật lộn với OCD mỗi năm và 2,3% số người được chẩn đoán mắc OCD một lần trong đời.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một bệnh rối loạn tâm thần ảnh hưởng tiêu cực đến cách suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân (Nguồn: smartparents.sg)
1. Định nghĩa OCD
OCD, hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế, là một tình trạng sức khỏe tâm thần được đặc trưng bởi hai loại triệu chứng: suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế. Các triệu chứng này gây ra những khó khăn trong cuộc sống và chiếm rất nhiều thời gian của bệnh nhân.
Những suy nghĩ ám ảnh thường rất dai dẳng, không mong muốn và gây rắc rối. Chúng gần như không thể tránh hoặc dừng lại, đồng thời những suy nghĩ ấy gây ra nhiều đau khổ, lo lắng hoặc sợ hãi. Nội dung của những suy nghĩ ám ảnh có thể là bất cứ điều gì, từ nỗi sợ bị nhiễm vi trùng đến những hình ảnh bạo lực không thể dập tắt hoặc sự hoài nghi dai dẳng về khả năng hoàn thành một công việc nào đó. Những suy nghĩ này, bất kể nội dung cụ thể là gì, hoàn toàn vô căn cứ và gần như không thể kiểm soát.
Hành vi cưỡng chế là hành động mà một người thực hiện để cố gắng làm giảm bớt sự đau khổ do những suy nghĩ ám ảnh gây ra, để ngăn chặn những suy nghĩ ấy hoặc để ngăn chặn điều không hay xảy ra. Thường thì không hề có mối liên hệ logic nào giữa hành vi cưỡng chế và suy nghĩ ám ảnh, nhưng đôi khi chúng có liên quan với nhau, chẳng hạn như khi ai đó sợ vi trùng sẽ liên tục rửa tay. Giống như những suy nghĩ ám ảnh, bệnh nhân mắc OCD sẽ phải vật lộn để kiểm soát những hành vi này và ngay cả khi họ nhận ra chúng không logic và cảm thấy bắt buộc phải thực hiện chúng.
2. Các loại OCD phổ biến
Thực tế, y học không phân chia các nhóm OCD. Tuy nhiên, có một số triệu chứng phổ biến có thể được mô tả là các “loại OCD”. Những loại này dựa trên sự tương đồng trong nội dung của những suy nghĩ ám ảnh và hành động mà một người thực hiện để đối phó với những suy nghĩ ấy. Bệnh nhân mắc OCD có thể có bất kỳ loại suy nghĩ ám ảnh hoặc bất kỳ hành vi cưỡng chế nào, nhưng những loại sau được cho là phổ biến nhất:
2.1 Suy nghĩ hung hăng hoặc xu hướng tình dục
Một kiểu ám ảnh phổ biến có liên quan đến nỗi sợ gây tổn hại cho người khác, đả kích dữ dội hoặc có những hình ảnh bạo lực, hung hăng không thể dập tắt. Những loại suy nghĩ này cũng có thể là về tình dục, chẳng hạn như sợ hành xử theo cách không phù hợp về mặt tình dục hoặc có những hình ảnh tình dục tái diễn, gây phiền hà. Những kiểu ám ảnh này thường đi kèm với việc tìm kiếm sự trấn an từ người khác, nhưng có thể có những hành vi cưỡng chế đi kèm khác.
2.2 Làm hại đến những người thân yêu
Đối với một số người, nỗi sợ hãi không nhất thiết là họ sẽ làm hại ai đó mà là một điều không may sẽ xảy ra với những người thân yêu của họ. Chẳng hạn, ai đó có thể bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng con họ sẽ bị thương trong một tai nạn xe hơi. Hành vi cưỡng chế có thể là bất cứ điều gì nhưng thường được sử dụng để ngăn chặn khả năng gây hại có thể xảy ra.
2.3 Vi trùng và nhiễm khuẩn
Nỗi sợ vi trùng và cần rửa tay cũng là một đặc điểm phổ biến. Nhiều người được chẩn đoán mắc OCD sợ vi trùng hoặc các nhiễm khuẩn khác và có thể tìm mọi cách để tránh các tình huống và hoạt động vì nỗi sợ này. Rửa tay và làm sạch bắt buộc cũng rất hay gặp.
2.4 Hoài nghi và chưa hoàn thành
OCD có thể gây ra những suy nghĩ lặp đi lặp lại rằng một người đã làm điều gì đó không chính xác hoặc chưa hoàn thành. Ví dụ, bệnh nhân OCD luôn hoài nghi rằng họ chưa khóa cửa khi rời khỏi nhà. Kiểu suy nghĩ ám ảnh này thường kích hoạt các hành vi kiểm tra bắt buộc, như quay trở lại kiểm tra cửa nhiều lần để chắc chắn cửa đã khóa hoàn toàn.
Bệnh nhân thường không muốn thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại, tuy nhiên họ không thể kiểm soát được chúng (Nguồn: amazonaws.com)
2.5 Tội lỗi, tôn giáo và đạo đức
Một số người lo lắng ám ảnh về những hành vi vô đạo đức hoặc tội lỗi. Họ có thể sử dụng lời cầu nguyện một cách ép buộc hoặc cầu xin sự tha thứ nhiều lần.
2.6 Trật tự và đối xứng
Sắp xếp các vật dụng luôn theo trật tự là một nỗi ám ảnh khá phổ biến đối với người mắc OCD. Những người có suy nghĩ này dành một lượng thời gian không đáng có để sắp xếp các vật dụng hoặc hình dung sự đối xứng. Họ cũng có thể có những mê tín cụ thể về số lượng, kiểu hình và đối xứng.
2.7 Tự kiểm soát
Nỗi sợ mất kiểm soát và làm điều gì đó không phù hợp đặc trưng cho nhiều trải nghiệm cá nhân ở những người mắc OCD. Họ có thể lo lắng về việc sẽ hét lên một cái gì đó ở nơi công cộng, hoặc lo lắng về việc sẽ làm hại ai đó. Điều này có liên quan đến kiểu ám ảnh hung hăng hoặc tình dục. Bất kỳ loại hành vi cưỡng chế nào cũng có thể xảy ra, nhưng nỗi ám ảnh này cũng có thể dẫn đến sự cô lập vì bệnh nhân có xu hướng tìm cách tránh lại gần người khác.
Những loại OCD này thực sự chỉ là các triệu chứng phổ biến nhất. Bệnh nhân mắc OCD có thể có bất kỳ kiểu suy nghĩ ám ảnh nào. Một số ví dụ khác bao gồm nỗi sợ hãi về các mối quan hệ cụ thể, niềm tin vào ma thuật và suy nghĩ ma thuật, hoặc nỗi ám ảnh về cơ thể của một người khác, chẳng hạn như kiểu thở hoặc chớp mắt.
3. Phân biệt OCD và các hội chứng tương tự
OCD từng được phân loại là một loại rối loạn lo âu, nhưng giờ đây nó đã được nhóm thành những nhóm ám ảnh có liên quan với nhau. Những loại ám ảnh khác không phải hoàn toàn là OCD, nhưng chúng rất giống nhau và có thể có một số triệu chứng chéo. Ví dụ, rối loạn tích trữ đã từng được coi là một loại OCD. Nó được đặc trưng bởi nỗi ám ảnh về sự cần thiết phải giữ lại các đồ vật, ngay cả những thứ không hữu ích hoặc không cần thiết và nỗi sợ hãi hoặc đau khổ liên quan đến việc vứt bỏ bất cứ thứ gì. Các điều kiện khác được liệt kê trong danh mục OCD bao gồm:
3.1 Rối loạn khiếm khuyết cơ thể (BDD)
BDD gây ra những suy nghĩ ám ảnh về diện mạo của bệnh nhân, đặc biệt là những khiếm khuyết. Thông thường những khiếm khuyết này không tồn tại, nhỏ hoặc không chính xác và người khác không hề nhận thấy. Bệnh nhân mắc BDD dành nhiều thời gian để soi gương, trang điểm và tham gia vào các hoạt động khác liên quan đến ngoại hình, trong một số trường hợp thậm chí bao gồm cả phẫu thuật thẩm mỹ.
3.2 Nghiện giật tóc
Còn được gọi là rối loạn nhổ tóc, chứng nghiện giật tóc được đặc trưng bởi nhu cầu bắt buộc hoặc thôi thúc muốn nhổ tóc ra khỏi đầu. Sự thôi thúc rất khó hoặc không thể kiểm soát và có thể từ nhẹ đến nặng, khiến tóc rụng trầm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động xã hội.
3.3 Rối loạn kích thích
Đây còn được gọi là rối loạn cào da và có nhiều điểm tương tự như chứng nghiện giật tóc. Trong trường hợp rối loạn kích thích, bệnh nhân luôn có cảm giác thôi thúc muốn cào cấu trên da. Nó có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho da và rối loạn chức năng xã hội. Nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề y tế, chẳng hạn như nhiễm trùng da.
3.4 OCD do chất, thuốc hoặc điều kiện y tế
Một loại OCD riêng là khi nó được kích hoạt hoặc được xác định là do nguyên nhân cụ thể, chẳng hạn như lạm dụng chất, thuốc dùng cho bệnh khác hoặc do chính tình trạng y tế đó.
3.5 OCD khác hoặc không xác định
Đây là những chẩn đoán có thể được thực hiện cho một người có một số hoặc nhiều dấu hiệu OCD hoặc tình trạng liên quan, như rối loạn tích trữ, nhưng không đáp ứng tất cả các tiêu chí để chẩn đoán.
4. Bất kỳ loại OCD nào cũng có thể điều trị được
Một số người được chẩn đoán mắc OCD luôn phải vật lộn để kiểm soát các triệu chứng và sống một cuộc sống bình thường. Những khó khăn trong việc ngăn chặn hoặc đối phó với những suy nghĩ ám ảnh và quản lý các hành vi cưỡng chế có thể là vô cùng lớn, chiếm rất nhiều thời gian trong cuộc sống của bệnh nhân và gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bất cứ ai mắc bệnh này, bất kể suy nghĩ và hành vi là gì hoặc các triệu chứng nghiêm trọng như thế nào cũng đều có thể chữa khỏi.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể được điều trị bằng cách sử dụng kết hợp thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi (Nguồn: promisesbehavioralhealth.com)
Nhiều người mắc OCD, đặc biệt là những người có triệu chứng nặng và suy yếu có thể điều trị trong môi trường nội trú chuyên biệt. Ở đó, bệnh nhân có thể tập trung vào việc học cách quản lý các triệu chứng dưới sự hướng dẫn của bác sỹ trị liệu. Thông qua các phương pháp, bệnh nhân có thể học cách quản lý thành công các triệu chứng.
Ngoài loại trị liệu hành vi cụ thể, quá trình điều trị còn có thể bao gồm cả các phương pháp chăm sóc bổ sung như sử dụng thuốc khi thích hợp, tập thể dục và ăn uống lành mạnh, hỗ trợ nhóm, trị liệu sáng tạo, giáo dục và trị liệu gia đình,… nhằm bổ sung và giúp bệnh nhân chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống tái hòa nhập cùng gia đình.
OCD là một bệnh tâm thần rất nghiêm trọng, bởi vì nó có thể dẫn đến rối loạn chức năng và gây ra những đau khổ về mặt cảm xúc. Nhưng bất kể các loại suy nghĩ hoặc hành vi mà tình trạng này gây ra, OCD vẫn có thể điều trị và quản lý được. Nếu có dấu hiệu bệnh, bạn hãy đi khám sức khỏe tâm lý chuyên sâu sớm để việc trị liệu đạt kết quả tốt hơn.
Bài viết được dịch theo Types of OCD xuất bản trên trang Brightquest.com.