Con cái đi học đại học là một dấu mốc lớn. Khi bước vào giai đoạn này, hầu hết các bậc cha mẹ đều lo lắng về khả năng kết bạn, hòa nhập, học tập và chuyện tiền bạc của con cái. Ngoài những lo lắng trên, cha mẹ cũng cần quan tâm đến một vấn đề khác đó là sức khỏe tâm thần. Sinh viên đại học có nhiều khả năng mắc và chịu ảnh hưởng từ căn bệnh trầm cảm. Hãy cố gắng tìm hiểu và nhìn nhận các dấu hiệu trầm cảm sớm bởi việc phòng ngừa và điều trị sớm đều đem lại hiệu quả cao hơn trong việc kiểm soát bệnh.
Trầm cảm bậc đại học không phải là một bệnh lý cụ thể mà là tên gọi thường được dùng để mô tả căn bệnh trầm cảm bắt đầu khi một thanh niên đang học đại học. Trầm cảm là một bệnh tâm thần được phân loại thuộc nhóm bệnh rối loạn tâm trạng. Căn bệnh này có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, gây ra tâm trạng buồn chán kéo dài, vô vọng, trống rỗng hoặc tức giận và cáu kỉnh.
Các biểu hiện của bệnh trầm cảm luôn thay đổi và khó xác định một cách chính xác. Yếu tố di truyền và môi trường sống thay đổi là hai nguyên nhân chính khiến cho một số người trẻ trở nên nhạy cảm và dễ bị mắc bệnh hơn. Bởi vậy, khi bắt đầu học đại học, bắt đầu sống tự lập một mình, người trẻ có thể cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng, họ trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn, nhất là ở những người đã có xu hướng bị trầm cảm.
Những thay đổi về môi trường sống hay các áp lực căng thẳng gặp phải khi rời xa gia đình có thể dẫn đến hội chứng trầm cảm ở sinh viên (Nguồn: cdn.mos.cms.futurecdn.net)
Trầm cảm dẫn tới rất nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Khi bị trầm cảm, con có thể mất hứng thú với các hoạt động, bao gồm cả ở trường học và cuộc sống ngoài đời. Họ có thể tìm cách tự điều trị thông qua các chất kích thích như rượu hoặc ma túy và lạm dụng chúng để vượt qua cảm giác khó chịu. Trầm cảm thậm chí có thể dẫn đến tự tử. Tuy vậy, trầm cảm có thể điều trị được. Được điều trị thường xuyên, liên tục có thể giúp mọi người bệnh sống tốt hơn với trầm cảm.
1. Một số dữ liệu thống kê về bệnh Trầm cảm ở Đại học
Trầm cảm ở trường học là một trong những căn bệnh mà cả phụ huynh và sinh viên đều cần hiểu rõ. Các cuộc khảo sát và nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những năm gần đây, nhiều trung tâm y tế của các trường đại học đang phải xử lý một số lượng sinh viên có vấn đề về sức khỏe tâm thần kỷ lục. Một khảo sát chỉ ra rằng, số lượng các sinh viên tìm kiếm dịch vụ về sức khỏe tâm thần gia tăng ở 95% trung tâm tư vấn đại học. Vấn đề lớn nhất mà các sinh viên thường gặp phải là sự lo lắng và theo sau đó là trầm cảm.
Có nhiều lý do khiến sinh viên đại học dễ bị trầm cảm hơn. Đầu tiên là những thay đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như rời khỏi gia đình, phải làm quen với môi trường mới, … có thể gây căng thẳng và dẫn đến trầm cảm. Các yếu tố khác bao gồm căng thẳng do chương trình học, việc cân bằng giữa học tập và vui chơi thể thao, giải trí và các hoạt động khác, gặp khó khăn trong các mối quan hệ, ngủ không đủ giấc, chất lượng dinh dưỡng kém và sử dụng chất kích thích,…
2. Dấu hiệu trầm cảm lâm sàng
Các dấu hiệu trầm cảm có thể thay đổi tùy theo từng cá nhân. Tuy vậy, các chuyên gia sức khỏe tâm thần thường dựa vào chín triệu chứng này khi chẩn đoán trầm cảm:
– Tâm trạng chán nản, có thể bao gồm buồn bã, cáu kỉnh, trống rỗng và vô vọng
– Mất hứng thú với các hoạt động, không tìm được niềm vui từ các hoạt động đó
– Thay đổi thói quen ăn uống và cân nặng
– Khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
– Giảm hoặc tăng động tâm thần vận động, có nghĩa là cử động chậm hoặc tăng tốc độ cử động một cách bất thường
– Mệt mỏi
– Cảm thấy vô giá trị, tội lỗi hoặc xấu hổ
– Gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, tập trung và đưa ra quyết định
– Suy nghĩ về cái chết và tự tử, hành vi tự tử
Bạn có thể không nhìn thấy nhiều dấu hiệu trầm cảm kinh điển này khi con dành phần lớn thời gian ở trường. Tuy nhiên, nên dành nhiều thời gian hơn nếu chúng nếu có các dấu hiệu sau:
- Thay đổi bạn bè hoặc không có bạn bè
- Cách ly xã hội
- Kết quả học tập giảm sút
- Bỏ bê các hoạt động và câu lạc bộ
- Uống rượu hoặc sử dụng ma túy
- Có các hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc bốc đồng, nguy hiểm
Bậc phụ huynh cần nắm rõ những dấu hiện trên, để phát hiện và sớm điều trị nếu con trẻ mắc phải trầm cảm (Nguồn: psychologydailypost.com)
3. Nói chuyện với con về trầm cảm
Thật khó khăn khi phải rời xa con cái ra và tin tưởng rằng chúng sẽ thành công khi rời khỏi sự che chở của gia đình. Tuy nhiên đại học là một khoảng thời gian quan trọng mà nhiều người trẻ tuổi cần trải qua để rèn luyện tính độc lập. Một điều quan trọng mà bạn có thể làm là thảo luận về sức khỏe tâm thần trước khi con đến trường:
- Thảo luận về các sự kiện và số liệu thống kê để con biết rằng trầm cảm là mối lo ngại thực sự cho giai đoạn mới này.
- Hãy cho chúng biết rằng chúng có thể tìm đến với bạn khi có bất kỳ mối quan tâm nào mà không cần phải đắn đo hay tức giận.
- Chia sẻ về các dấu hiệu trầm cảm và cách nhận biết sớm ở học sinh sinh viên.
- Tìm hiểu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần trong khuôn viên trường và đảm bảo chúng biết cách tiếp cận các dịch vụ đó.
- Nói về ảnh hưởng của ma túy, rượu bia và việc lạm dụng chất đối với sức khỏe tâm thần.
Kiến thức là sức mạnh và những gì bạn biết chưa chắc con bạn đã biết. Hãy trung thực và đừng bao giờ cho rằng con biết phải làm gì khi cảm thấy buồn hay chán nản. Kiến thức trầm cảm không đủ cho việc ngăn chặn trầm cảm nhưng hoàn toàn thể ngăn ngừa một số hậu quả nghiêm trọng hơn.
4. Hỗ trợ con cái khi học đại học
Đại học là thời gian để cho con dang rộng đôi cánh và sống độc lập, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải rút lui hoàn toàn khỏi cuộc sống của chúng. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn để mắt đến chúng. Do không thể quan sát trực tiếp nên hãy tìm kiếm các dấu hiệu trầm cảm theo những cách gián tiếp hơn. Chẳng hạn, thỉnh thoảng kiểm tra điểm số hoặc nói chuyện với bạn bè của chúng, những người mà con có thể chia sẻ mọi mối quan tâm.
Việc khuyến khích con bạn thực hiện các lựa chọn lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng. Ăn uống phù hợp, tập thể dục và ngủ đầy đủ rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể. Việc hòa nhập cũng quan trọng không kém. Hãy động viên chúng tham gia vào các nhóm trong trường, các câu lạc bộ thể thao và các sự kiện xã hội khác. Hỗ trợ xã hội tốt, từ bạn bè và gia đình, chính là cách chống trầm cảm hiệu quả.
5. Nhận điều trị chuyên sâu
Nếu con bị trầm cảm trong những năm học đại học, hãy tìm đến sự giúp đỡ. Trong một số tình huống có thể buộc phải nghỉ học và tìm cách điều trị chuyên sâu như đến gặp bác sĩ và chuyên gia tâm thần. Hãy giúp chúng hiểu rằng, đây là một căn bệnh cần được điều trị lâu dài và không có gì xấu hổ khi đối diện với căn bệnh này.
Nếu tình trạng của con không khá hơn, bạn có thể cân nhắc tìm kiếm một chương trình tham vấn bệnh trầm cảm hoặc điều trị nội trú. Cơ sở điều trị nội trú có thể cung cấp môi trường an toàn, kế hoạch điều trị cá nhân hóa và một đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp. Một vài tuần hoặc vài tháng điều trị tại cơ sở nội trú có thể giúp con đủ khả năng sống chung với trầm cảm, kiểm soát các triệu chứng và có thể quay trở lại trường học.
Trầm cảm bậc đại học là một hiện tượng có thật, và ngày một gia tăng. Tất cả các bậc cha mẹ cần nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng này. Khi chuẩn bị cho con đi học đại học, bạn nên cung cấp kiến thức đầy đủ để góp phần ngăn ngừa chứng bệnh. Trong trường hợp con mắc bệnh này, hãy cho chúng mọi sự giúp đỡ và tin tưởng rằng việc điều trị sẽ đạt hiệu quả.
Bài viết được dịch theo What Parents Need to Know About College Depression xuất bản ngày 25 tháng 6 năm 2022 trên trang Bridges to Recovery.