Vô số người đang tìm kiếm những cách hiệu quả để giảm bớt sự lo âu, đặc biệt khi sự lo âu đạt đến mức nghiêm trọng ví dụ như các cuộc hoảng loạn thường xuyên hoặc lo lắng kinh niên. Nhưng có phải lo âu là vấn đề tiêu cực hoàn toàn hay không?
Sự thật là, mặc dù lo âu quá mức có thể làm bạn suy nhược, nhưng phản ứng lo âu của bạn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thần kinh và thực sự rất có lợi. Nếu tìm hiểu rõ về căn bệnh rối loạn lo âu thì bạn sẽ thấy bằng cách thay đổi quan điểm về sự lo âu và thậm chí “làm bạn” với nó, bạn có thể tận dụng chính sự lo âu của mình. Dưới đây là một số cách để biến sự lo âu của bạn thành một năng lượng có ích.
Lo âu quá mức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tuy nhiên nếu bạn có khả năng tận dụng và điều tiết thì nó hữu ích cho cuộc sống (Nguồn: medicalnewstoday.com)
1. Chấp nhận lo âu là điều tự nhiên và không thể tránh khỏi
Lo âu giống như một báo động rằng có gì đó không ổn, và bạn có thể nghĩ rằng mình phải loại bỏ lo âu để đảm bảo mọi thứ đều ổn. Nhưng chiến đấu chống lại sự lo âu có thể làm lo âu tăng thêm, và việc đó tạo ra một nhiệm vụ mới còn khó hơn nhiệm vụ bạn đang cố gắng thực hiện. Trong thực tế, sự lo lắng có thể là một dấu hiệu cho thấy điều bạn đang làm là đúng đắn, quan trọng và bạn thực sự quan tâm, mặc dù điều đó thật khó chịu. Vì vậy, thay vì chiến đấu chống lại sự lo âu, bạn hãy chào đón, chấp nhận và đối mặt với nó. Đó chính là 1 trong 14 cách kiểm soát chứng rối loạn lo âu đơn giản mà hiệu quả khi áp dụng bạn sẽ thấy điều bất ngờ.
2. Lắng nghe những gì lo âu đang nói với bạn
Đôi khi sự lo âu của bạn có thể chỉ ra điều gì đó quan trọng, chẳng hạn như một sự thay đổi bạn cần thực hiện trong cuộc sống. Điều này không có nghĩa là sự lo âu luôn có nghĩa là bạn cần phải thực hiện một sự thay đổi, ví dụ như lo lắng trong khi thuyết trình trong công việc có lẽ không có nghĩa là bạn cần một công việc mới. Nhưng đôi khi sự lo lắng đang báo hiệu rằng việc bạn đang làm không thực sự quan trọng, nhưng điều đó đang thu hút quá nhiều sự chú ý của bạn. Hãy sẵn sàng xem xét liệu sự lo âu có đến từ một cảm giác trực quan rằng điều gì đó trong cuộc sống của bạn đang không phù hợp, và điều chỉnh khi cần thiết.
3. Coi lo âu là nguồn năng lượng
Một người bạn thời đại học nói với tôi rằng sự lo âu chính là nguồn năng lượng để làm tốt trong các tình huống mới. Tôi rất tâm đắc về quan điểm đó và thấy nó vô cùng hữu ích. Thay vì cố gắng không để bản thân lo lắng trước một cuộc nói chuyện hoặc một cuộc phỏng vấn sắp tới, tôi có thể tự nhắc nhở bản thân rằng sự lo lắng là hoàn toàn hữu ích, điều này thực sự khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn, mặc dù tôi vẫn cảm thấy lo lắng.
Những người có tư duy lo lắng là điều tích cực giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong đời sống thường ngày (Nguồn: pbs.twimg.com)
4. Sử dụng lo âu như một động lực
Mức độ lo âu vừa phải có vai trò như một sự kích thích, thúc đẩy bạn hành động, nhưng quá nhiều lo lắng có thể dẫn đến tình trạng tê liệt. Lo lắng có xu hướng tích lũy khi chúng ta tránh làm điều gì đó, như giải quyết một dự án công việc mới hoặc thực hiện một cuộc gọi điện thoại khó khăn, vì vậy, điều quan trọng là phải hành động trước khi mức lo lắng bị đẩy lên quá cao.
Hãy coi sự lo lắng như một lời kêu gọi hành động để tạo ra sự thay đổi, chẳng hạn như bắt đầu một dự án, chuẩn bị cho một thử thách, và đừng coi lo lắng là một rào cản cho các mục tiêu. Lo lắng giống như nitơ trong khu vườn. Quá nhiều nitơ sẽ làm cây khô cháy, nhưng quá ít sẽ khiến những chiếc lá nhạt màu và cây chậm phát triển. Hãy đặt sự lo lắng ở vị trí phù hợp trong cuộc sống của bạn để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn và tự do hơn. Nếu gặp khó khăn trong việc thoát khỏi sự lo âu của bản thân bạn đừng ngần ngại tìm đến những sự tư vấn, điều trị tâm lý chuyên sâu.
Bài viết được dịch theo How to Harness Your Anxiety xuất bản ngày 19/02/2019 trên WebMD.