Vết khâu tầng sinh môn có đỡ đau, bớt sưng và mau lành hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách vệ sinh của các chị em. Nếu không vệ sinh đúng cách có thể dẫn đến mưng mủ, nhiễm trùng, bục chỉ… gây hậu quả nghiêm trọng. Dưới đây là cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn đúng nhất, mau lành!
1. Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh
1.1. Cách vệ sinh vết khâu tầng sinh môn
Các mẹ nên sử dụng bông, gạc y tế để vệ sinh tầng sinh môn bởi chúng vừa mềm mại, vừa sạch sẽ, đảm bảo không bị nhiễm trùng hoặc gây tổn thương đến vết khâu. Bạn nhúng bông, gạc y tế vào nước ấm rồi lau theo chiều từ âm đạo xuống hậu môn, không lau theo chiều ngược lại vì có thể khiến vi khuẩn từ hậu môn tiếp xúc lên vết thương.
Nhúng băng gạc y tế vào nước ấm trước khi vệ sinh (Nguồn: rti.org.tw)
1.2. Tắm như thế nào cho đúng?
Bác sĩ cho phép các mẹ sau khi sinh thường được tắm rửa sau khi vết thương đã được khâu kỹ càng. Do đó, mẹ không cần phải lo lắng về việc vết thương tiếp xúc với nước. Điều quan trọng là mẹ nên tắm nhanh, lau rửa bằng nước lã, không nên dùng vòi xịt thẳng vào vết thương vì có thể khiến bục chỉ. Khi tắm xong, mẹ dùng khăn khô thấm sạch nước vùng kín rồi đóng băng vệ sinh lại.
1.3. Lưu ý về sản dịch để tránh mùi hôi
Khi chăm sóc vết khâu tầng sinh môn bạn cần đặc biệt chú ý đến sản dịch. Sản dịch là tình trạng chảy máu sau khi sinh nở. Hiện tượng này có thể kéo dài từ ba đến bốn tuần hoặc lâu hơn tùy từng người. Để sạch sẽ, mẹ nên dùng băng vệ sinh dành cho phụ nữ sau sinh thấm hút tốt, an toàn và thay băng sau ba đến bốn giờ để tránh mưng mủ, nhiễm trùng vết thương. Khi thay băng, mẹ nên chú ý xem có gì bất thường không, có mùi hôi hoặc mủ lẫn vào máu hay không.
1.4. Hạn chế những hiện tượng làm căng nhức vết khâu
Hiện tượng căng tức chỗ vết khâu chứng tỏ là chỉ đang liền tốt nên đây cũng là điều hoàn toàn bình thường. Lúc này mẹ nên vận động nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh hay đột ngột, không mang vác nặng để tránh vết thương bị bục chỉ.
1.5. Tư thế cho bé bú giúp mẹ tránh làm đau vết thương
Để vừa cho bé bú, vừa tránh làm đau vết thương, mẹ nên ngồi duỗi thẳng chân, không được ngồi xếp bằng tròn vì có thể khiến vết thương bị bục chỉ. Ngoài ra, mẹ có thể nằm cho bé bú cũng giúp đỡ đau nhức phần nào.
Nằm nghiêng cho con bú giúp vết thương bớt đau hơn (Nguồn: babaucanbiet.com)
1.6. Cách đi đứng cần nhẹ nhàng, cẩn thận
Khi đi đứng, mẹ nên khép chân vừa phải, không khép quá sát vì có thể khiến vết thương bị cọ xát gây đau đớn hơn. Khi thay đổi tư thế phải nhẹ nhàng, không nên làm đột ngột. Ngoài ra, mẹ cũng không nên nằm một chỗ vì có cử động thì máu huyết mới lưu thông, vết thương mới bớt sưng và đó cũng là cách rèn luyện sự dẻo dai cho chính mình.
1.7. Chườm lạnh
Chườm lạnh cũng là cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn nhanh lành, giảm đau hơn. Mẹ nên sử dụng túi đá nhỏ, lót qua một lớp khăn mỏng rồi chườm vào vết khâu trong thời gian từ ba đến năm phút. Sau đó, lau khô vết thương để tránh nhiễm trùng.
Chườm lạnh giúp vết thương đỡ sưng và giảm đau (Nguồn: nhathuoclongchau.com)
1.8. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Sau sinh cũng như sau khi khâu vết thương tầng sinh môn, mẹ nên bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Điều này vừa giúp vết thương nhanh lành vừa giúp mẹ có sữa nhiều cho em bé. Đặc biệt trong số đó, mẹ nên tăng cường ăn nhiều chất xơ, dùng nhiều rau củ quả tươi sạch, nguồn gốc đảm bảo, uống nhiều nước, ăn súp, cháo và các loại thức ăn mềm. Điều này giúp cơ thể không bị táo bón, không phải rặn khi đi vệ sinh và sẽ không làm tổn thương đến vết khâu.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh sau sinh giúp vết thương mau lành (Nguồn: kienthucdinhduong.vn)
2. Cách giảm đau vết khâu tầng sinh môn
2.1. Ngâm vùng kín trong nước ấm
Đây cũng là cách vệ sinh tầng sinh môn sau đẻ hiệu quả. Nước ấm có khả năng thư giãn và giảm đau rất hữu hiệu. Mỗi ngày, mẹ chỉ cần ngâm vùng kín trong nước ấm từ năm đến mười phút, thực hiện ba lần một ngày. Điều này giúp mẹ giảm đau, làm sạch nước tiểu, tránh nhiễm trùng vết thương.
2.2. Nghỉ ngơi và hạn chế nằm ngửa
Nằm ngửa sẽ khiến trọng lượng cơ thể dồn xuống vùng đáy chậu khiến bạn cảm thấy khó chịu và đau nhức. Do đó, tốt nhất là bạn nên nằm nghiêng, vừa lưu thông khí huyết vừa không làm đau tầng sinh môn. Ngoài ra, bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi, thỉnh thoảng đứng dậy đi lại vận động nhẹ nhàng, không nên hoạt động quá nhiều.
2.3. Chườm ấm hoặc chườm lạnh
Chườm lạnh có thể giúp giảm viêm sưng và vết thương dễ chịu hơn. Do đó, sau một đến ba ngày, bạn có thể dùng túi đá đặt ở giữa hai chân trong mười đến mười lăm phút. Thực hiện tương tự với nước ấm nếu bạn muốn. Nước ấm cũng có khả năng giảm đau và làm vết thương nhanh chóng bình phục hơn.
2.4. Sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ
Nếu mẹ không thể chịu được sự đau đớn, khó chịu từ vết khâu tầng sinh môn thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về phương án dùng thuốc giảm đau. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng của bạn để kê thuốc giảm đau dạng nhét vào hậu môn hay dạng xịt… Bạn không nên tự ý uống thuốc giảm đau nếu chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ vì có thể gây ảnh hưởng đến sữa mẹ.
Nếu muốn uống thuốc giảm đau, các mẹ phải tham khảo ý kiến của bác sĩ (Nguồn: khoahocphattrien.vn)
3. Cách làm vết khâu tầng sinh môn mau lành
3.1. Thay băng vệ sinh sau 3-4 giờ
Sử dụng băng vệ sinh là cách để làm sạch sản dịch sau khi sinh. Để tránh viêm nhiễm, mẹ nên thay băng sau ba đến bốn giờ sử dụng. Mỗi lần thay thì nên dùng nước ấm để làm sạch rồi lau khô lại, sau đó mới mặc băng vệ sinh.
3.2. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày
Rửa vết khâu tầng sinh môn bằng gì là câu hỏi của rất nhiều mẹ sau sinh hiện nay. Thực ra, mẹ chỉ cần vệ sinh vết khâu và vùng kín mỗi ngày bằng nước thường hoặc nước ấm. Nếu cẩn thận hơn thì sau mỗi lần đi vệ sinh cũng nên dùng nước ấm để làm sạch, sau đó lau khô bằng khăn mềm sạch sẽ.
3.3. Nên ăn nhiều chất xơ
Có rất nhiều bà mẹ sau khi sinh con bị thiếu chất xơ dẫn đến bị táo bón. Khi đó, việc đi đại tiện của mẹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi mẹ phải dùng sức để rặn có thể gây đau cho vùng đáy chậu, khiến vết thương bị bục chỉ, chảy máu… Do đó, tốt nhất là mẹ nên tăng cường ăn các nhóm thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước… để tránh bị táo bón.
Nên bổ sung nhiều chất xơ để chống táo bón (Nguồn: carewithlove.com.vn)
3.4. Không nên mặc quần áo bó sát
Trang phục, nội y làm bằng chất liệu tốt, an toàn, rộng rãi là những món đồ mà mẹ sau sinh nên lựa chọn, đặc biệt là nên chọn quần chíp cho bà bầu. Những chiếc quần này có độ rộng rãi, thoáng mát tốt để tránh cọ xát vào vết thương gây đau và khó chịu. Không nên mặc quần áo bó sát vì có thể khiến vết thương bị chảy máu, vùng kín bị bí bách, gây mùi khó chịu và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh.
3.5. Tập Kegel
Tập Kegel cũng là một cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn nhanh lành hơn, bởi các động tác có thể giúp lưu thông máu, giúp vùng đáy chậu vận động nhẹ nhàng và vết rạch tầng sinh môn từ đó sẽ nhanh lành hơn. Ngoài ra, tập Kegel còn giúp cơ đáy chậu có sức chống đỡ dẻo dai, khỏe mạnh hơn. Bạn có thể bắt đầu với động tác đơn giản là nín tiểu trong mười giây, sau đó thì thả lỏng ra. Lặp lại khoảng hai mươi lần sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tập Kegel giúp lưu thông máu và cơ đáy chậu có sức chống đỡ dẻo dai (Nguồn: benhviemphukhoa.net)
3.6. Hạn chế mang vác hoặc làm việc nặng
Việc mang vác vật nặng hoặc làm việc nặng nhọc có thể làm vết khâu bị chảy máu, bục chỉ… Do đó, tốt nhất mẹ nên hạn chế vận động mạnh để vết thương nhanh lành hơn và quan trọng là cơ thể được khỏe mạnh hơn.
Hạn chế vận động mạnh sau sinh giúp vết thương mau lành, cơ thể khỏe mạnh chăm sóc bé (Nguồn: mevacon.com.vn)
Áp dụng các cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn đã nêu trên chắc chắn sẽ giúp vết thương của các mẹ nhanh lành, tránh các nguy cơ bục chỉ, nhiễm trùng, sưng tấy… Đừng quên chia sẻ thông tin hữu ích này đến người thân, bạn bè và những người đang cần tìm hiểu để các mẹ có sức khỏe tốt nhất, chăm sóc bé yêu toàn vẹn nhất!