Nàng Xuân đang gõ cửa mọi nhà, và chỉ khoảng một tháng nữa thôi là một năm mới an lành sẽ đến với chúng ta. Việc lựa chọn thực đơn cho ngày Tết cũng quan trọng hơn bao giờ hết. Hãy cùng Useful tham khảo 16 món ngon ngày Tết miền Bắc cho nàng dâu lấy lòng mẹ chồng nhé.
1. Món ngon ngày Tết miền Bắc – Bánh chưng dưa hành
Bánh chưng đậm đà bản sắc tinh túy của người Việt, là hương vị cổ truyền không thể thiếu trên mỗi mâm cơm ngày Tết. Bánh chưng với xuất xứ từ thời Văn Lang, mang ý nghĩa tượng trưng cho đất mẹ, mong cầu một năm mới đầy bội thu, ấm no hạnh phúc. Chiếc bánh chưng vuông vắn được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của người gói với lớp ngoài là nếp dẻo truyền thống, nhân bên trong gồm đậu xanh, thịt lợn, và một ít hạt điều. Sau khi gói, cho bánh vào luộc từ 14-16 tiếng. Bánh chưng nên ăn kèm với dưa hành để đỡ ngán và trở nên ngon hơn, đậm đà hơn hương vị đất Bắc mỗi dịp Tết đến Xuân về, cái dư vị làm nao lòng bao người con xa xứ.
Bánh chưng xanh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền đất Việt (Nguồn: baodulich.net.vn)
2. Xôi gấc
Màu đỏ tự bao đời nay luôn được quan niệm là màu sắc may mắn, cát tường. Thế nên, xôi gấc là một trong những món ăn không thể thiếu trong thực đơn món ăn Tết miền Bắc, luôn hiện diện trên mâm cỗ truyền thống mỗi dịp Tết đến Xuân về. Xôi gấc là sự quyện hòa giữa nếp dẻo truyền thống và gấc tươi. Sau khi vo sạch gạo nếp, đem trộn đều với gấc rồi hấp, khi nếp chín sẽ mang màu đỏ đẹp mắt. Bên cạnh đó, bạn có thể đồ xôi bằng nồi cơm điện dẻo thơm, giữ trọn vị.
Xôi gấc (Nguồn: 24h.com.vn)
3. Thịt nấu đông
Miền Bắc mỗi dịp đông xuân luôn khoác lên mình cái không khí se se lạnh mà những vùng miền khác ít cảm nhận được. Chính vì thế mà thịt nấu đông đã trở thành một món ăn đặc trưng hương vị đất Bắc, bởi món thịt này càng ngon hơn khi được thưởng thức trong không khí se se lạnh. Thịt nấu đông là một trong những món ngon ngày Tết không thể thiếu trên mâm cỗ đoàn tụ gia đình tại miền Bắc.
Món ăn này được nấu từ thịt ba chỉ tươi ngon, an toàn, đôi khi có thể thay bằng thịt gà hay kèm theo một chút bì lợn, mộc nhĩ. Ninh nhừ trong một khoảng thời gian rồi tắt bếp, để nguội, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh cho thịt đông lại.
Thịt nấu đông – một hương vị đặc trưng ngày Tết miền Bắc (Nguồn: gl.amthuc365)
4. Thịt gà luộc
Một món ăn tưởng chừng như đơn giản như thịt gà luộc lại là một đặc trưng không thể thiếu khi nhắc đến những món ăn Tết miền Bắc nói riêng và của cả Việt Nam nói chung. Thịt gà luộc lên đa phần màu vàng ươm, vàng là một trong những màu may mắn, hạnh phúc của năm mới. Thế nên, một đĩa thịt gà luộc đầy ắp trên mâm cỗ ngày Tết như tượng trưng cho lời nguyện cầu một năm mới ấm no, hạnh phúc, thuận lợi, đủ đầy.
Cách chế biến thịt gà luộc lại cực kỳ đơn giản, gà bạn rửa sạch rồi đem luộc, có thể thêm một ít gia vị để gà có thể ngon hơn. Sau đó, rắc một ít lá chanh xắt mỏng cho đẹp mắt và ăn kèm với muối tiêu chanh, tạo nên một hương vị Tết đậm chất Việt mỗi thềm xuân sang.
Gà luộc (Nguồn: fclub.vn)
5. Nem rán
Nem chua rán thơm ngon là một trong những hương vị tinh túy mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, mang trong mình sự thuần túy, đặc trưng của một nền ẩm thực Việt Nam trù phú muôn đời. Sự xuất hiện của nem rán trên mâm cỗ ngày Tết cổ truyền như một hương vị thân thương mà mỗi người dân miền Bắc nói riêng, cả đất Việt nói chung đều bùi ngùi, xao xuyến.
Nem rán là món ăn miền Bắc ngày Tết với sự chuẩn bị kỳ công, tỉ mỉ cũng như tính cách trau chuốt, khéo léo trong tâm hồn mỗi người con đất Bắc. Thịt lợn, tai heo, cà rốt, mộc nhĩ, giá sống, miến được ngâm mềm, …tất cả được rửa sạch, băm nhỏ rồi trộn đều trong một cái tô lớn. Sau đó, nem được tỉ mỉ gói trong những cái bánh đa mỏng, mềm, sao cho vừa tay để khi rán có thể chín đều, vàng ươm. Một chén nước mắm pha ăn kèm sẽ tạo nên hương vị tuyệt hảo hơn bao giờ hết cho nem rán.
Nem rán giòn rụm mang hương vị thân thuộc trong mâm cỗ ngày Tết (Nguồn: znews-photo.zadn)
6. Giò chả
Nếu miền Nam có món “chả lụa” thân quen thì nơi đất Bắc người ta hay gọi là “giò lụa”. Bên cạnh đó, có một món giò thủ cũng rất quen thuộc với mỗi người con xứ Bắc. Giò chả ngon sạch, không thể thiếu trên những mâm cỗ ngày Tết, trở thành những món ngon ngày Tết miền Bắc mà gia đình nào cũng chuẩn bị mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Giò lụa là hỗn hợp của thịt heo xay nhuyễn cùng một số gia vị khác, được bọc trong lá chuối rồi luộc chín. Giò thủ khi làm thì thịt và tai lợn không giã nhuyễn mà thái mỏng, trộn với mộc nhĩ, gia vị rồi xào chín. Sau đó bọc trong lá chuối như giò lụa, đem luộc hoặc hấp chín. Những khoanh giò trắng mịn được cắt đều vuông vức hay những miếng giò thủ cắt tam giác vừa ăn đã trở thành những nét chấm phá đặc trưng trong bữa cơm quây quần mỗi dịp nàng Xuân ghé thăm mọi nhà.
Giò chả Tết (Nguồn: baomoi.vn)
7. Thịt bò xào rau củ
Năm hết Tết đến luôn cần sự quyện hòa dương – âm để mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng. Thế nên món thịt bò xào rau củ đã trở thành một món ăn thường ngày nhưng vẫn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền, đặc biệt là miền Bắc.
Thịt bò tươi mềm được thái mỏng xào chung với rau củ quả thập cẩm sạch, an toàn: súp lơ, hành tây, cà rốt…tạo nên màu sắc cuốn hút, đẹp mắt cho món ăn, mà còn mang lại nhiều vitamin, dinh dưỡng và giúp thanh lọc cơ thể trước thềm năm mới.
Thịt bò xào rau củ với đầy đủ chất dinh dưỡng cho những ngày đầu năm (Nguồn: cooky.vn)
8. Rau nộm
Trước những món ăn nhiều thịt mỡ vào ngày Tết thì rau nộm như một vị cứu tinh chóng ngán và thanh lọc cơ thể. Với những món rau nộm thân thuộc được lấy từ các loại rau tươi sạch, đảm bảo an toàn: nộm rau muống, su hào, rau chuối…thực đơn những món ngon ngày Tết miền Bắc càng thêm đa dạng phong phú, đủ đầy màu sắc vì được điểm tô thêm sắc xanh rực rỡ.
Cách chế biến rau nộm cũng rất đơn giản, rau mua về rửa sạch, thái vừa ăn sau đó đem trộn đều với nước cốt pha sẵn mang vị chua chua ngọt ngọt, tạo nên những hương vị thanh đạm trên mỗi mâm cỗ ngày Tết.
Rau nộm (Nguồn: explus.vn)
9. Hành cuốn tôm thịt
Tiếp tục là một món thanh đạm quyện hòa giữa rau và thịt để chống ngán, hành cuốn tôm thịt dần xuất hiện nhiều hơn trong mâm cỗ ngày Tết tại đất Bắc.
Đây là một món ăn cũng khá đơn giản trong việc chế biến, bạn cần mua chuẩn bị những thực phẩm quen thuộc như một chút tôm, thịt, giò, trứng (đã nấu chín) được cuộn vào với rau mùi, rau xà lách, sau đó dùng hành buộc lại và có thể thưởng thức cùng nước mắm chua ngọt đậm đà hương vị quê hương.
Hành cuốn tôm thịt cho mâm cỗ Tết thêm tròn vị thơm ngon (Nguồn: blog.btaskee.com)
10. Canh măng lưỡi lợn
Trong tiết trời se lạnh của miền Bắc mỗi độ xuân sang, một bát canh măng lưỡi lợn sẽ làm ấm lòng hơn bao giờ hết trên mâm cỗ quây quần của gia đình.
Măng lưỡi lợn là những đọt măng non vừa nhú như hình lưỡi con lợn, chăn chắc và đậm vị măng. Ngâm măng vào nước ấm cho nhả bớt những chất nhầy, chất dơ, sau đó rửa sạch, cắt vừa ăn. Măng được hầm với lửa vừa phải trong nồi thịt giò (hoặc có thể dùng thịt gà, sườn…) đã ninh mềm từ trước. Canh vớt bọt đều đặn, đến khi măng chín mềm rồi nêm nếm vừa ăn, rắc thêm tiêu hành và có thể thưởng thức cùng với những món ăn ngày Tết khác.
Canh măng lưỡi lợn (Nguồn: baomoi.vn)
11. Canh miến nấu măng
Lại một món canh hấp dẫn được nấu với măng, mang lại hương vị khó cưỡng lại mỗi dịp Tết đến Xuân về. Canh miến nấu măng là sự quyện hòa béo ngậy của thịt giò (hoặc lòng gà, thịt gà) cùng với hương vị đặc trưng của măng khô, tạo nên những dư vị thân quen khó quên trong mỗi dịp Tết cổ truyền.
Cũng tương tự như cách nấu canh măng lưỡi lợn, nhưng được lúc sau thêm vào những sợi miến mềm mềm, dai dai, tạo nên sức cuốn hút lạ kỳ cho món canh đặc trưng trong mỗi mâm cỗ đầu năm này.
Canh miến măng (Nguồn: cooky.vn)
12. Canh bóng thập cẩm
Canh bóng thập cẩm là một trong những món canh cùng những món ăn miền Bắc ngày Tết khác tạo nên dư vị khó quên làm nao lòng bao người con xa xứ. Tô canh ấm nóng bên gia đình những ngày đầu Năm tạo nên một cảm giác thân thương và ấm áp biết nhường nào.
Bạn có thể tìm mua các nguyên liệu tươi mới tại chuỗi siêu thị tiện ích Vinmart với nhiều ưu đãi để làm nên một món canh bóng thập cẩm tròn vị, thơm ngon những ngày đầu năm. Su hào, cà rốt, đậu hà lan sau khi mua rửa sạch cắt tỉa hoa vừa ăn, ninh sao cho rau củ không bị nhừ mà vẫn giữ được hương vị ngon ngọt vốn có. Giò được thái nhỏ vừa ăn, trứng rán mỏng, thái chỉ, tôm cắt nhỏ, khi ăn thì gắp mỗi thứ một ít vào bát và thưởng thức. Thêm một chút rau mùi cho tròn vị canh tuyệt hảo.
13. Bún chả Hà Nội
Là món ăn phổ biến luôn xuất hiện trong các thực đơn thường ngày nhưng bún chả Hà Nội cũng là một nét chấm phá đặc trưng cho mâm cỗ những ngày Tết.
Thịt ba chỉ mua về rửa sạch, ướp gia vị vừa ăn kết hợp với thịt nạc giã nhuyễn, vo viên đem đi nướng đến khi chín đều, dậy mùi thơm lừng. Bún được thêm vào thịt vừa nướng, thêm chút rau thơm và ăn kèm nước mắm pha tuyệt diệu. Nước mắm pha chút nước đường, nước cốt chanh, ớt xay nhuyễn, đồ chua để tạo nên một vị nước mắm chua chua, ngọt ngọt, đậm đà hương vị món bún chả đặc trưng nơi đất Hà Nội.
Món Tết miền Bắc bún chả (Nguồn: vietnammoi.vn)
14. Chè kho
Chè kho trở thành một nét chấm phá không thể thiếu trong bức tranh ẩm thực ngày Tết. Hương đỗ xanh hòa vào chút hương lá bưởi, tạo nên một món ăn thanh mát không thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền nơi đất Bắc.
Cách chế biến chè kho cũng rất đơn giản. Đỗ xanh rửa sạch, ngâm khoảng 2-3 tiếng cho đến khi nở mềm rồi luộc hoặc hấp chín. Giã nhuyễn đỗ xanh đã chín cho đến khi mềm mịn. Nước đường sau khi đun hơi ấm rồi bỏ đỗ xanh vào, đun nhỏ lửa, khuấy đều tay cho đỗ xanh không bị cháy. Đến khi chè sắp chín thì thêm chút hương hoa bưởi cho chè thơm ngon hơn và có thể thưởng thức.
Chè kho – một hương vị ngọt ngào, thanh mát giữa mâm cỗ Tết miền Bắc (Nguồn: baomoi.zadn.vn)
15. Thịt bò kho
Nếu miền nam trứ danh hương vị thịt kho tàu với trứng ngon đúng điệu cùng nhiều cách làm đơn giản mỗi dịp Tết đến Xuân về thì miền Bắc lại đậm đà hương vị bò kho nồng ấm. Thịt bò kho luôn hiện diện trên mâm cỗ sum vầy tại miền Bắc mỗi dịp nghênh đón một năm mới an lành. Với hương thơm đặc trưng, thịt bò kho lâu dần đã trở thành một dấu ấn khó phai nhạt trong nền ẩm thực trù phú nơi mảnh đất chữ S.
Thường thì món này được chuẩn bị kỹ lưỡng từ ngày 29 tết để trưa 30 kịp cúng và để ăn dần trong những ngày đầu năm. Người ta thường chọn thịt nạm cho món thịt bò kho trứ danh này. Thịt bò ướp với chút gia vị mắm muối và nước cốt tỏi, bên trong cuộn thịt ba chỉ chắc chắn rồi buộc lại bằng lạt. Trước khi kho nên chiên sơ để dậy mùi thơm của thịt, sau đó thả thịt vào nồi nước đã nấu sôi được nêm sẵn tương, gia vị và một ít quế. Nấu đến khi thịt chín mềm, gỡ lạt và cắt thịt thành khoanh và cuối cùng là thưởng thức bên mâm cỗ ấm cúng cùng gia đình.
Thịt bo kho (Nguồn: 24h.com.vn)
16. Mứt sen
Những hạt mứt ngọt lịm là một dư vị truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Mứt sen ngọt bùi hương vị đất trời, nhâm nhi cùng một tách trà nóng, quây quần bên người thân, bạn bè chuyện trò về những câu chuyện trong năm. Một cái Tết cổ truyền thật ngọt ngào và ấm cúng cũng như hương vị mứt sen hòa vào tách trà nóng, làm nao lòng bao người con nơi đất khách xa quê mỗi dịp Tết về.
Mứt sen không thể thiếu trong ngày tết (media.cooky)
Hương vị Tết âm vang trong tim mỗi người con xa quê là những hương vị thân thuộc của bữa cơm gia đình – bữa cơm của sự đoàn tụ, của những cánh chim quay về tổ sau những tháng ngày bộn bề ngoài kia. Tết sẽ trọn vị nồng ấm sum vầy hơn nếu mâm cỗ được chuẩn bị tinh tươm, kỹ lưỡng cùng những món ăn mang hương sắc đặc trưng dân tộc bao đời nay được chế biến từ những thực phẩm tươi mới, vẹn nguyên chất dinh dưỡng. Hi vọng sau khi cùng Useful tìm hiểu 16 món ngon ngày Tết miền Bắc, mâm cỗ Tết nhà bạn sẽ tròn đầy hương vị yêu thương, ấm cúng hơn bao giờ hết. Chúc bạn và gia đình có một các Tết thật hạnh phúc, an yên bên những người mình yêu thương nhé!