Các món ngon miền Tây khách thập phương đi xa đều nhớ, nếu chưa từng một lần ghé miền Tây để trải nghiệm hết những nét ẩm thực đặc sắc này thì còn chần chờ gì nữa, hãy xách ba lô lên và đi thưởng thức ngay nhé.
1. Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui từ lâu đã trở thành món quà mở đầu câu chuyện mà những người phương Nam thường dùng để thiết đãi bạn xa. Mùi thơm của cá nướng, vị ngọt của thịt khiến ai cũng phải thổn thức muốn được thử ngay vì không thể chờ đợi được nữa. Các lóc nướng trui ăn kèm rau thơm, một chút bún, ít nước chấm là bạn đã có một món ăn ngon thơm nức miền Tây khó cưỡng.
Cá lóc nướng trui ăn kèm rau thơm, một chút bún, ít nước chấm. (Nguồn ảnh: themanfallscreek.com)
Thực khách đến với miền sông nước, thì đừng bỏ lỡ cơ hội được trải nghiệm thực tế món cá lóc xương cực ngon này nhé.
2. Lẩu cá kèo
Lẩu cá kèo, cá lóc nướng trui hay chuột đồng quay lu,… đều được xem là những món ngon miền Tây mà ai cũng một lần nên thử. Lẩu cá kèo là món ăn có khởi nguồn từ các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang – nơi phù sa ngập mặn nên cá kèo thường săn chắc và ngọt thịt…
Lẩu cá kèo ăn một nhớ mười. (Nguồn: Nhipsongso.edu.vn)
Lẩu cá kèo của miền Tây thường được ăn kèm với một chút rau muống, rau rút và rau đắng để món ăn được hoàn hảo hơn. Nếu thiếu rau đắng thì coi như món lẩu cá kèo đã giảm đi 50% độ ngon. Tùy theo sở thích mà chúng ta có thể ăn kèm với bún hoặc bánh đa.
3. Nem nướng miền Tây
Nem nướng là một trong những món ăn ngon miền Tây được nhiều người ưa thích, ngay cả khi họ chưa từng đặt chân đến vùng đất trù phú này. Nem được chế biến và vo tròn từ thịt lợn băm nhuyễn quyện thêm chút gia vị và các loại rau thơm như hành, tỏi để dậy mùi. Sau đó cuộn vào thanh tre và đem nướng chín vàng trên bếp than hồng.
Nem được chế biến và vo tròn từ thịt lợn băm nhuyễn quyện thêm chút gia vị. (Nguồn: jamja.vn.vn)
Món nem nướng sẽ không thể đậm vị nếu thiếu đi một chút nước chấm được làm từ tương ngọt nấu chín trộn với nước me chua. Đây là cách pha nước chấm rất hiếm gặp và thường thì chỉ người miền Tây mới làm điều đó.
4. Bánh Tằm Bì – món ngon miền Tây khó cưỡng
Người miền Tây làm bánh Tằm Bì từ những hạt gạo thơm ngon được kết tinh từ phù sa của đồng bằng sông Cửu Long. Rồi trải qua nhiều bước từ chuẩn bị nguyên liệu đến ngâm gạo, xay bột, nấu chín, se bột, tạo hình để làm sao đến khi thành phẩm, bánh đạt được độ chín mềm, dẻo dai và còn giữ nguyên được mùi thơm của gạo.
Bánh tằm bì với mùi vị thơm ngon khó cưỡng. (Nguồn: lozi.vn)
Gọi là bánh Tằm Bì vì ngoài bột bánh được se thành sợ, còn có thêm một nguyên liệu khác nữa đó là bì heo trộn cùng với chút thính vừa đủ. Người miền Tây thường ăn bánh Tằm Bì với nước cốt dừa đã sánh đặc có thêm đường và muối. Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một món ngon miền Tây hấp dẫn.
5. Bánh xèo miền Tây
Miền Tây nổi tiếng với món bánh xèo vàng ruộm và giòn tan. Cái tên của bánh có lẽ cũng xuất phát từ tiếng đổ bột vào chảo kêu “xèo xèo” nên từ đó người ta gọi là bánh xèo. Cùng được làm từ nguyên liệu dân dã là bột gạo, nhưng bánh xèo miền Tây khác với bánh xèo miền Bắc và miền Trung chính bởi kích thước và cách chế biến riêng của người dân trong vùng. Bánh xèo miền Tây thường to hơn, nhân thường nhiều hơn, trong đó có thịt ba rọi, giá đỗ, tép đồng,…
Bánh xèo miền Tây khác với bánh xèo miền Bắc và miền Trung chính bởi kích thước to. (Nguồn: blog.beemart.vn)
Tùy theo địa phương mà nhân bánh có thể thay đổi hay có thêm một số các loại rau củ khác theo mùa: củ sắn, măng, bông điên điển. Bánh xèo thường ăn kèm với một số loại rau xanh như: rau cải bẹ, lá sung non, đinh lăng, rau thơm, lá điều non, lá xoài,… và nước chấm chua ngọt.
6. Canh cá linh bông điên điển
Người miền Tây có câu thơ:
Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon
Cứ mỗi độ mùa mưa, khi con nước tràn về, cá linh lại đến với miền Tây như một món quà của trời đất.
Canh cá linh bông điên điển – món ăn miền Tây dân dã. (Nguồn: chuthapdo.org)
Người dân An Giang, Đồng Tháp là những ngư dân vốn nổi tiếng với nghề làm mắm cá linh. Không chỉ vậy, cá linh còn trở thành một đặc sản dân dã khi kết duyên cùng bông điên điển, tạo nên một món ăn ngon đúng điệu miền Tây.
Vị ngọt của cá, vị chua của me, và vị cay nồng của ớt hòa quyện với vị hăng hăng và giòn giòn của bông điên điển, qua bàn tay khéo léo của người nấu đã tạo nên một món ngon miền Tây Nam Bộ vừa ngon, vừa hấp dẫn.
7. Đuông dừa
Với nhiều người, việc nhìn thấy đuông dừa to bằng ngón tay, ngọ nguậy là một cảm giác thực sự khủng khiếp. Nhưng nếu chưa thử, bạn sẽ không thể biết, đuông dừa ngon đến mức nào.
Đuông dừa. (Nguồn: Dacsanmuicamau.com)
Người ta thường ăn đuông dừa với nước mắm ớt, sau khi đã rửa sạch và loại hết chất bẩn bằng rượu trắng. Hoặc có thể chiên đuông dừa với chút bơ, ăn kèm rau sống và nước chấm mắm me để cảm nhận vị béo ngậy đang tan chảy trong miệng giống như lòng đỏ trứng gà vậy. Đuông dừa hấp xôi cũng là một món ngon ưa thích của rất nhiều du khách.
8. Lẩu mắm
Một món miền Tây nữa không thể bỏ qua khi ghé thăm miền đất này chính là đặc sản lẩu mắm. Nước lẩu được nấu từ mắm cá, thường là mắm cá sặc hoặc cá lóc, cá linh, cá trèn,… Mắm nấu lẩu phải là loại mắm đỏ và thơm, như vậy với giữ được hương vị của cả nồi lẩu.
Lẩu mắm – món ngon miền Tây vô cùng hấp dẫn. (Nguồn: Thanhnien.vn)
Rau tươi trong món lẩu mắm được xem như là biểu tượng của vùng đất Nam Bộ với nhiều loại như: thân bông súng, rau đắng, cù nèo, cải xanh, đậu rồng, giá, rau càng cua, đọt xoài, cần tây, thơm, chuối chát, bông so đũa, bông điên điển, lục bình, rau muống, rau nhút,… Lẩu mắm ngon nhất là được thưởng thức trong cảnh sông nước mênh mang.
9. Chuột đồng
Điểm đặc biệt của thịt chuột là ngon, bổ, rẻ, dân dã. Món thịt chuột nướng từ lâu đã trở thành “thương hiệu” rất riêng của miền Tây mà ta không thể tìm được ở đâu khác ngoài vùng sông nước này. Để thưởng thức chuột đồng nướng bạn có thể vào bất kỳ một quán ăn nào đó tại các tỉnh miền Tây. Đây là món đặc sản được ưu thích nên rất phổ biến.
Chuột đồng nướng thơm ngon, vị ngọt, đậm đà được rất nhiều du khách tìm thử. (Nguồn: Baogiaitrivn.net)
Thịt chuột nướng thơm, vị ngọt, dai nóng hổi lẫn trong hương vị đậm đà của nguyên liệu quả là một cơ hội hiếm có khó tìm. Thưởng thức thịt chuột với một chút rượu thơm và những người bạn hẳn sẽ là một cảm giác tuyệt vời.
10. Gỏi sầu đâu
Khi những lá sầu đâu thay lá, người dân Nam Bộ lại háo hức thưởng thức món ăn đặc biệt của vùng đất mình: gỏi sầu đâu. Hình ảnh lá sầu đâu đã đi vào thơ ca Nam Bộ như là những câu hát ru đầy nỗi niềm thương nhớ:
Mấy cây Sầu Đâu
Ngoại thường ra hái lá
Trộn gỏi đắng mà
Nghe ngọt lạ bờ môi
Gỏi sầu đâu từ lâu đã là món ăn ngon miền Tây quen thuộc của người dân vùng sông nước, đặc biệt nổi tiếng ở Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên thuộc An Giang. Sầu đâu Nam Bộ có vị đắng và có thể ăn được. Do vậy, người dân nơi đây thường làm món gỏi sầu đâu để thưởng thức và cũng là cách để chữa bệnh như thanh nhiệt, đau nhức xương khớp…
Gỏi sầu đâu – đặc sản An Giang ngon khó cưỡng. Nguồn: Tourismcantho.vn)
Gỏi sầu đâu được chế biến khá đơn giản. Chỉ cần rửa sạch và trần qua nước sôi để bớt vị đắng, sau đó trộn cùng dưa leo, xoài, thơm thái mỏng. Cá khô xé nhỏ, thịt ba chỉ thái lát, tôm bóc vỏ rồi đảo đều với nước mắm chanh tỏi ớt kèm chút ngọt của đường. Thêm chút rau thơm, ngò rí, đậu phộng là bạn đã có thể thưởng thức một món ăn tuyệt ngon rồi đó.
Qua những chuyến tour du lịch trong nước với vùng sông nước miệt vườn Tây Nam Bộ, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp trù phú mà còn thực sự bị thu hút bởi những món ngon miền Tây dân dã nhưng đậm chất tình.