Thanh cua là loại thực phẩm thường thấy trong những món ăn Nhật như Sushi, trứng cuộn… Thực ra, thành phần chính của thanh cua lại chính là bột cá Surimi được ướp bột, đường, lòng trắng trứng và xíu vị cua. Theo đó, có rất nhiều cách chế biến thanh cua thành những món ăn ngon và cực kỳ bổ dưỡng.
1. Cách chế biến thanh cua thành món sushi
Món ngon đầu tiên có thể thử ngay với những miếng thanh cua Surimi béo ngậy là Sushi. Sushi thanh cua rất dễ ăn và cách làm Sushi thanh cua cũng khá đơn giản, có thể biến tấu, kết hợp giữa nhiều loại nguyên liệu. Đặc biệt, ngay cả những bé kén ăn cũng rất thích hương vị của món Sushi này.
Để làm được món ăn bạn cần có rong biển, gạo ngon, thanh cua, cà rốt, trứng, đậu cô ve, cá… (tùy hương vị) và các loại gia vị như dầu hào, dầu mè, giấm, đường…Gạo nên ngâm khoảng 30 phút rồi mới cho vào nấu, để cơm cuộn thanh cua mềm và xốp hơn. Sau đó trộn dầu mè, dầu hào và một chút giấm vào cơm đã nấu chín, nếm vị hơi chua chua, vừa ăn là được.
Đậu cô ve, cà rốt nên được luộc sơ qua, sau đó thái sợi mỏng cùng với trứng chiên. Cuối cùng, để lá rong biển trên mành tre (nếu có) dàn đều lớp cơm đã trộn và đặt thanh cua, đậu cô ve, cà rốt, trứng chiên thái lát… vào giữa và cuộn lại. Sắt thành từng miếng nhỏ và trang trí lên đĩa.
Sushi thanh cua (Nguồn: kenh14.vn)
2. Kimbap thanh cua
Cách làm Kimbap thanh cua cũng tương tự với Sushi, khác biệt lớn nhất là bạn sẽ trộn cơm với dầu mè thay vì trộn với giấm. Bên cạnh đó, nhân Kimbap cũng không có các loại hải sản tươi ngon, sơ chế kỹ càng như của Sushi. Chính vì thế món Kimbap này hay được ăn kèm với sốt mayonnaise. Bạn cũng có thể tẩm bột và làm thêm lớp vỏ chiên giòn ở ngoài hoặc rắc vừng lên trên. Nếu như Sushi là món ăn truyền thống của người Nhật thì cơm cuộn thanh cua – Kimbap lại là niềm tự hào trong nét ẩm thực của người Hàn.
Cách làm Kimbap thanh cua (Nguồn: shopify.com)
3. Salad thanh cua
Thanh cua có thể kết hợp với những loại rau xanh khác nhau, phổ biến nhất là đậu que hoặc đậu cô ve để tạo lên món Salad. Đây là món ăn khá lạ miệng và giúp đổi vị trong những ngày đầu năm. Nguyên liệu của món ăn gồm có: thanh cua, đậu que hoặc đậu hà lan, giấm, dầu ô liu, tỏi, lá oregano…
Đậu que sau khi sơ chế sẽ được luộc chín trong khoảng 15 phút, ngâm với nước đá để giòn và xanh hơn. Thanh cua nên trần qua với nước sôi sau đó cắt thành khúc nhỏ hay thái sợi tùy ý thích. Để tránh làm nát thanh cua hoặc mất đi hương vị đặc biệt, nên trộn thanh cua cùng với đậu que và các loại gia vị khi gần tới bữa ăn.
Món Salad thanh cua (Nguồn: eatmoresalad.vn)
4. Trứng cuộn thanh cua
Trứng cuộn là món ăn được người Nhật rất ưa chuộng. Trong đó, cách chế biến thanh cua với trứng cuộn rất đơn giản mà lại cực kỳ bổ dưỡng. Trứng sẽ được tách riêng thành lòng đỏ và lòng trắng. Lòng trắng sẽ trộn cùng với thanh cua để làm nhân khi cuộn. Lòng đỏ được tráng mỏng, chiên chín và cuộn cùng với hỗn hợp lòng trắng thanh cua đã được chiên trước đó. Có thể nêm gia vị từ trước hoặc chấm cùng với tương ớt.
Món trứng cuộn thanh cua (Nguồn: kenh14.vn)
5. Nộm rong biển thanh cua
Món ngon với thanh cua được giới thiệu tiếp theo là nộm rong biển. Nộm rong biển thanh cua là món ăn truyền thống, thường xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng Hàn Quốc nổi tiếng, có vị ngậy của dầu mè và vị thanh mát của các nguyên liệu tươi ngon như rong biển cùng các loại rau xanh…Món ăn này có cách chế biến cũng rất đơn giản, không mất nhiều thời gian.
Không giống như trong cách làm Sushi thanh cua hoặc Kimbap. Rong biển để làm nộm phải ngâm nước cho nở ra rồi sau đó thái sợi. Tương tự với các loại rau như xà lách, dưa chuột, cà rốt… riêng thanh cua cắt khúc vừa ăn và xé nhỏ. Sau đó, cho các nguyên liệu vào cùng một tô lớn, trộn đều với giấm, dầu mè… các loại gia vị khác cho vừa ăn là có thể thưởng thức được luôn.
Rong biển nộm thanh cua (Nguồn: cooky.vn)
6. Mì thập cẩm thanh cua
Thanh cua nấu món gì vừa nhanh vừa ngon miệng? Nếu nửa đêm đói bụng, bạn có thể xuống bếp hô biến một bát mì thập cẩm thanh cua bắt mắt và cực kỳ hấp dẫn. Nguyên liệu cần có là vắt mì, thanh cua, tôm hoặc thịt ba chỉ, nước hầm xương, sủi cảo, chả cá, các loại gia vị…
Vắt mì sau khi trần qua sẽ được để ráo nước, sau đó trộn cùng với hành phi và một chút mỡ nước cho đỡ dính. Nước dùng của mì có thể lấy từ nước hầm xương hoặc hầm gà, thêm một chút ba chỉ và tôm khô. Sủi cảo và bánh bao hay các món dưa muối ngày Tết chua ngọt, giải ngấy cũng rất hợp khi ăn kèm với tô thanh cua mì thập cẩm này.
Ngây ngất với bát mì hải sản thập cẩm kèm thanh cua (Nguồn: foody.vn)
7. Soup măng tây cua
Súp măng tây cua là một món ăn cực kỳ bổ dưỡng, có thể chế biến cho người già hoặc trẻ em. Người ta thường ăn kèm súp với khoai tây chiên hoặc dùng như bữa sáng.
Nguyên liệu gồm có măng tây, thanh cua hoặc thịt cua, súp lơ xanh, bơ lạt, hành tây, nước dùng gà và Whipping cream để trang trí.
Măng tây, súp lơ, hành tây, thanh cua…sẽ được thái hạt lựu trước khi xào với bơ. Bơ tan thì cho hành tây vào xào trước, tiếp đó đến thanh cua và cuối cùng là măng tây, súp lơ, cần tây… Xào thêm ít phút rồi đổ nước dùng gà vào nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi các nguyên liệu đều đã mềm và bỏ vào máy xay sinh tố. Có thể trang trí bằng lớp Whipping cream hay các loại rau xanh.
Súp thanh cua măng tây (Nguồn: cooky.vn)
8. Mì Udon hải sản
Món ngon với thanh cua tiếp theo là mì Udon hải sản. Mì Udon hải sản thanh cua với nước dùng thanh ngọt và vắt mì giòn dai, chỉ có tại những nhà hàng chuẩn phong cách Nhật. Tuy nhiên, để chế biến được món ăn đúng vị, cần khá nhiều nguyên liệu khác nhau. Vắt mì Udon, tôm tươi, thanh cua, cà rốt, cải bó xôi hoặc cải chíp, củ cải, hành lá và gừng là những nguyên liệu chính.
Trong đó, quan trọng nhất là nước dùng mì Udon, có thể mua sẵn. Cách chế biến thanh cua với mì Udon khá phức tạp. Hầm trước củ cải và cà rốt cho nhừ sau đó nấu hỗn hợp nước dùng mì Udon mua sẵn cùng với cá bào, lọc lấy nước rồi tiếp tục đun, nêm gia vị cho vừa văn. Tôm và rau cải phải được luộc chín, củ cải, cà rốt thái sợi, hành lá và gừng cắt nhỏ, để trên mặt. Vắt mì Udon tươi cũng phải được trần qua nước và để ráo rồi mới chan nước dùng vào.
Bí quyết tạo lên bát mì Udon hải sản ngon đúng điệu (Nguồn: airasia-hanoi.com)
9. Trứng hấp kiểu Nhật
Trứng hấp là món khai vị khá ngon, gợi ý tiếp theo cho các bà nội trợ: thanh cua nấu món gì? Cần 2 quả trứng gà và một vài loại hương liệu của Nhật như nước dùng Dashi, rượu Mirin, bột cá Hondashi… Đánh tan các nguyên liệu trên vào một tô, nêm thêm chút muối và một muỗng cà phê xì dầu. Thanh cua sẽ được cắt khúc, tách nhỏ và cho vào tô rồi đem đi hấp chín. Được khoảng 7 phút thì bỏ tiếp tôm vào, hấp khoảng 3 phút là có thể dùng được.
Vô vàn công thức kết hợp trong món trứng hấp kiểu Nhật (Nguồn: cooky.vn)
10. Soup thập cẩm thanh cua
Món súp cực kỳ đơn giản, có thể làm ngay trong bữa sáng hoặc bữa xế với những nguyên liệu đơn giản như thanh cua, cà rốt, su hào, thịt gà, trứng, bột năng… Thịt gà luộc xé nhỏ, thanh cua, cà rốt, su hào thái hạt lựu sau đó bỏ tất cả vào đun sôi, nêm nếm gia vị. Bột năng phải hòa trước với nước ấm bên ngoài, sau đó đổ từ từ vào nồi rồi khuấy theo chiều kim đồng hồ, phải thật đều tay nếu không sẽ bị vón cục ở dưới đáy. Có thể đánh thêm một quả trứng nữa vào nồi súp, tiếp tục khuấy đến khi thấy nước hơi đặc lại là được. Khi dùng, có thể nêm thêm một chút dầu hào hay xì dầu tùy khẩu vị.
Soup thập cẩm thanh cua (Nguồn: youtube.com)
Hy vọng, với 10 cách chế biến thanh cua được giới thiệu trên đây đã giúp các bạn có thêm một sự gợi ý hấp dẫn cho danh sách các món ngon sau Tết lạ miệng, chống ngán mà lại cực kỳ bổ dưỡng và giúp lấy lại khẩu vị. Bắt tay ngay vào việc chuẩn bị những món ngon cho cả gia đình ngay thôi nào!