Suy nhược thần kinh là gì, triệu chứng, cách sinh hoạt và điều trị

Bệnh lý suy nhược thần kinh xảy ra khi căng thẳng tích tụ đến mức độ không còn khả năng đối phó và dẫn đến khủng hoảng sức khỏe tâm thần.

Sau khi tìm kiếm hướng điều trị chuyên sâu, bạn có thể bắt đầu quay trở lại cuộc sống thường nhật bằng cách học hỏi, sử dụng những biện pháp lành mạnh hơn đối phó với stress, kết hợp với sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình. Bạn cũng nên nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo suy nhược và sử dụng các cách thức giảm bớt căng thẳng nhằm ngăn chặn tái phát.

1. Điều gì xảy ra trong giai đoạn suy nhược thần kinh?

Suy nhược thần kinh là khủng hoảng sức khỏe tâm thần chứ không phải một hội chứng có thể chẩn đoán, tuy nhiên nó có thể rất nguy hiểm. Khi bị suy nhược thần kinh, bạn sẽ cảm thấy lo âu hoặc sợ hãi, căng thẳng cực độ và không còn khả năng đối phó với bất cứ cảm xúc nào nữa. Khủng hoảng này sẽ khiến bạn không thể đi làm hay đi học, chăm sóc con cái, hay bất cứ hoạt động thông thường nào khác. Các triệu chứng của suy nhược thần kinh có thể bao gồm những bất thường về cảm xúc, các ảnh hưởng lên cơ thể như cơn đau tức ngực và khó thở.

Kiểu suy nhược này thường xuất hiện sau khi trải qua nhiều stress trầm trọng mà không được đối phó bằng những cách thức lành mạnh. Nguyên nhân kích hoạt suy nhược thần kinh, mức độ căng thẳng, thời gian ảnh hưởng của căn bệnh là khác nhau ở từng người. Mỗi người có một điểm giới hạn riêng, tuy vậy, những người có cách đối phó lành mạnh thường ít khi mắc phải suy nhược thần kinh. Yếu tố khác ngoài căng thẳng cũng có thể góp phần gây ra suy nhược là rối loạn lo âu và trầm cảm nặng.

Suy nhược thần kinh khiến các công việc thường ngày trở nên khó khăn

Suy nhược thần kinh khiến các công việc thường ngày trở nên khó khăn (Nguồn: spazio-psicologia.com)

2. Điều trị suy nhược thần kinh

Nếu từng trải qua tình trạng tương tự với suy nhược thần kinh, hãy tìm kiếm lời khuyên, đánh giá từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Bác sĩ tâm lý sẽ giúp bạn xác định được rằng sự suy nhược này đơn thuần là một cơn khủng hoảng về tâm lý hoặc do một bệnh lý tâm thần đã tiềm ẩn từ trước

Dựa trên kết quả chỉ định, bạn có thể làm việc với một bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để tiến hành điều trị. Các bác sĩ sẽ giúp bạn đối phó với stress hiệu quả hơn và tránh những khủng hoảng trong tương lai. Tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của khủng hoảng, bạn có thể cân nhắc điều trị ngắn hạn tại cơ sở điều trị nội trú. Khóa điều trị giúp bạn tập trung vào sức khỏe tâm thần của mình đến khi phục hồi. Kế hoạch điều trị có thể bao gồm nhiều phương pháp trị liệu tâm lý, liệu pháp thư giãn, giảm căng thẳng và sử dụng thuốc nếu cần.

3. Thay đổi lối sống sau suy nhược thần kinh

Việc biết cách tự hồi phục sau suy nhược thần kinh không đến một cách tự nhiên, đó là lý do tại sao phương pháp điều trị rất quan trọng. Các nhà trị liệu và chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể dạy bạn cách để hồi phục và các bước phòng tránh tái phát trong tương lai.

Một trong những điều quan trọng nhất bạn sẽ học là cách thay đổi lối sống để giảm stress và hạn chế tối đa khả năng bị suy nhược thần kinh, bao gồm:

·  Thay đổi điều gây căng thẳng như công việc hay một mối quan hệ tồi tệ.

·  Cắt giảm những trách nhiệm có thể gây quá sức.

·  Nhờ sự giúp đỡ từ người thân với những việc quan trọng như chăm sóc con cái.

·  Dành nhiều thời gian cho các hoạt động yêu thích và thư giãn.

·  Bỏ thuốc lá, cắt giảm hoặc bỏ hoàn toàn đồ uống có cồn và các chất kích thích khác.

·  Ăn uống lành mạnh, tích cực tập luyện.

·  Ngủ đủ giấc mỗi đêm.

·  Luyện tập các kỹ năng thư giãn thường xuyên, thực hiện các chiến lược đối phó với stress khi cần thiết.

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp hạn chế khả năng bị suy nhược thần kinh

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp hạn chế khả năng bị suy nhược thần kinh (Nguồn: heart.org)

4. Học và ứng dụng các cách đối phó với suy nhược thần kinh

Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để quay lại cuộc sống thường nhật là sử dụng các cách đối phó với trầm cảm và biết thư giãn. Nếu trải qua một kế hoạch điều trị hiệu quả, bạn sẽ học được những công cụ và luyện tập cách ứng dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số gợi ý đối phó với căng thẳng nếu cảm thấy có dấu hiệu suy nhược trở lại:

4.1 Tránh xa bất cứ thứ gì gây ra quá nhiều căng thẳng

Điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ công việc gây stress, nhưng nếu có điều gì đó đang khiến mức độ căng thẳng tăng lên, bạn hãy tạm dừng trong một thời gian ngắn. Chỉ cần một ngày nghỉ cũng giúp ích rất nhiều.

4.2 Tập luyện và hít thở không khí trong lành 

Tập luyện là một liều thuốc giảm stress tuyệt vời. Hãy tập bất cứ bài tập nào mà bạn thích và tập luyện ở ngoài trời nếu có thể.

4.3 Trò chuyện với một người bạn thân biết lắng nghe

Khi căng thẳng trở nên quá tải, một người biết lắng nghe sẽ giúp bộc lộ và chia sẻ những cảm xúc của mình.

4.4 Ngồi xuống với một tách trà hoặc cà phê nóng thay vì rượu

Một thức uống nóng sẽ vô cùng dễ chịu, nhưng nhiều người bị cám dỗ vào việc sử dụng đồ uống có cồn để thư giãn. Điều này có thể phản tác dụng, vì thế hãy tránh xa rượu hoặc các chất kích thích.

4.5 Tập thiền định, thở chậm hoặc yoga

Các kỹ thuật thư giãn sẽ trở nên dễ dàng nếu học được cách sử dụng chúng. Khi đã trải qua một chương trình điều trị sau suy nhược, bạn sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật này. Hãy thử khi bắt đầu cảm thấy stress. Thậm chí chỉ năm phút tập trung vào hơi thở cũng có thể làm giảm mức độ căng thẳng.

Tập yoga thiền giúp giảm stress hiệu quả

Tập yoga thiền giúp giảm stress hiệu quả (Nguồn: vietnammoi.vn)

5. Tầm quan trọng của hỗ trợ xã hội hậu suy nhược thần kinh

Quay trở lại cuộc sống bình thường, hay hướng đến một lối sống lành mạnh hơn sau suy nhược thần kinh liên quan đến những hỗ trợ xã hội cũng như thời gian bạn dành cho người khác. Giao tiếp là một cách tự nhiên chống lại căng thẳng. Chỉ cần nói chuyện với ai đó sẵn sàng lắng nghe đã là một cách tuyệt vời để giải tỏa stress, dù nó không giải quyết được bất cứ vấn đề cụ thể nào.

Bạn nên đầu tư thời gian vào những mối quan hệ thân thiết. Cuộc sống bận rộn có thể dễ dàng khiến các mối quan hệ trở nên xa cách. Hãy lên lịch trình thời gian dành cho gia đình, bạn thân. Thực hiện lịch trình đó thường xuyên ngay cả khi chỉ có 15 phút rảnh rỗi, như vậy có thể duy trì tình bạn và các mối quan hệ hỗ trợ của mình.

Nếu công việc là nguyên nhân chính gây ra stress trong cuộc sống, hãy nuôi dưỡng tình bạn với các đồng nghiệp, tham gia vào các hoạt động xã hội ở nơi làm việc. Điều này sẽ giúp đối phó với căng thẳng trong công việc. Bạn cũng có thể tìm kiếm các nhóm hỗ trợ gồm những thành viên đã từng trải qua khủng hoảng tinh thần tương tự. Thỉnh thoảng gặp gỡ nhóm này là một cách tốt để suy ngẫm, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.

6. Xác định và theo dõi những dấu hiệu cảnh báo

Một trong những lý do lớn nhất để tham gia điều trị chuyên sâu hậu suy nhược thần kinh là nó giúp bạn suy ngẫm về thứ đã gây ra khủng hoảng. Nếu hiểu điều gì dẫn đến nó, và học được các dấu hiệu cảnh báo sớm cho một cơn suy nhược, bạn có thể chú ý và thực hiện các bước phòng tránh tái phát. Đây cũng là một phần trong quá trình phục hồi hậu suy nhược, hãy tự nhận thức nhiều hơn. Việc ghi chép vài phút mỗi ngày là một cách tuyệt vời để luyện tập tự nhận thức và chú ý tới các dấu hiệu từ sớm.

Dưới đây là một số ví dụ về các dấu hiệu cảnh báo sớm:

· Hiệu suất tại nơi làm việc hoặc trường học từ từ giảm sút, hoặc những trách nhiệm ở nhà bắt đầu có khó khăn. Bạn cảm thấy mình không theo kịp.

· Khẩu vị thay đổi, cơ thể sút cân hoặc tăng cân.

· Cảm thấy quá nhiều áp lực.

· Phải chật vật với việc tập trung, ghi nhớ, hay hoàn thành các nhiệm vụ.

· Bắt đầu bỏ bê ngoại hình hoặc vệ sinh cá nhân của mình.

· Cảm thấy trống rỗng và bị cô lập.

· Tâm trạng tồi tệ, cảm thấy chán nản hoặc lo âu.

· Dựa vào các chiến lược đối phó cũ và không lành mạnh như uống rượu nhiều hơn.

Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo suy nhược thần kinh

Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo suy nhược thần kinh (Nguồn: tuduycuocsong.vn)

7. Chẩn đoán và kiểm soát tình trạng sức khỏe tâm thần

Nhiều người bị suy nhược thần kinh có thể cũng đang mang một bệnh lý tâm thần tiềm ẩn làm tăng nguy cơ suy nhược. Mọi bất ổn về sức khỏe tâm thần cũng có thể góp phần vào một cơn khủng hoảng và tình trạng phổ biến là rối loạn lo âu và trầm cảm. Nếu vẫn đang phải vật lộn trong việc kiểm soát căng thẳng và tâm trạng của mình, hãy đảm bảo rằng bạn đã được đánh giá sức khỏe tâm thần chuyên sâu.

Nếu được chẩn đoán có bệnh tâm thần, hãy bám sát kế hoạch điều trị trong dài hạn, ngay cả khi bắt đầu thấy tốt hơn. Sự duy trì này sẽ giúp tránh được một cơn suy nhược khác trong tương lai.

Việc trải qua suy nhược thần kinh có thể rất khủng khiếp,  khả năng hồi phục khiến nhiều người nản lòng. Bằng việc điều trị nội trú chuyên sâu, tiếp đến là chăm sóc liên tục, thay đổi lối sống, các chiến lược đối phó lành mạnh, hỗ trợ xã hội, kiểm soát mọi loại bệnh tâm thần, bạn có thể quay trở lại với một lối sống tốt hơn và tránh tái phát về sau.