Tình trạng căng thẳng gây hại tới sức khỏe, khả năng học tập làm việc

Tương lai của bất kỳ xã hội nào đều phụ thuộc vào việc đảm bảo sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, một nghiên cứu chuyên sâu cho thấy khả năng phát triển của trẻ sẽ bị lệch lạc nếu hoạt động của hệ thống phản ứng căng thẳng trong não bộ và cơ thể kéo dài.

Những căng thẳng đó có thể gây tổn hại đến khả năng học tập, ứng xử, cũng như sức khỏe của trẻ trong suốt cuộc đời.

Học tập cách đối phó với sự căng thẳng là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Khi bị đe dọa từ một yếu tố nào đó, cơ thể chúng ta thường phản ứng bằng cách tăng nhịp tim, huyết áp, sản sinh các hoóc môn chống căng thẳng như cortisol. Nếu hệ thống phản ứng căng thẳng ở trẻ nhỏ bị kích hoạt nhưng có được sự hỗ trợ đầy đủ từ phía người lớn, những ảnh hưởng sinh lý đó sẽ được giảm thiểu và trở về mức bình thường. Từ đó, hệ thống phản ứng căng thẳng sẽ được phát triển theo đúng hướng. Tuy nhiên, nếu các phản ứng tình trạng căng thẳng trở nên trầm trọng và kéo dài, đồng thời không có sự hỗ trợ nào, hệ thống phản ứng không những bị tổn hại mà cấu trúc não bộ còn bị suy yếu. Những hậu quả này sẽ tồn tại mãi mãi trong quãng đời còn lại của trẻ.

Hệ thống phản ứng căng thẳng có thể ảnh hưởng tới cấu trúc não bộ suy yếu của trẻ (Nguồn: Internet) 

Điều quan trọng là cần phân biệt rõ ba mức độ phản ứng căng thẳng ở trẻ: mức nhẹ, mức chịu đựng được, và mức nguy hại. Ba mức độ phản ánh những tác động của hệ thống phản ứng căng thẳng lên cơ thể trẻ, không bao gồm các trải nghiệm tiêu cực gây ra tình trạng căng thẳng, cụ thể:

  • Phản ứng mức độ nhẹ: Là biểu hiện bình thường và quan trọng trong quá trình phát triển lành mạnh ở trẻ. Loại phản ứng này biểu hiện bằng tình trạng nhịp tim tăng nhanh trong thời gian ngắn và lượng hoóc môn tăng nhẹ. Một vài trường hợp phản ứng nhẹ điển hình là khi trẻ được tiếp xúc với người chăm sóc mới hoặc khi tiêm chủng.
  • Mức chịu đựng được: Phản ánh hệ thống phản ứng của cơ thể bị kích hoạt ở mức độ cao hơn, xuất phát từ những vấn đề cuộc sống mang tính tiêu cực, kéo dài như mất đi người thân, thảm họa thiên tai, hoặc gặp phải chấn thương nguy hiểm. Nếu sự kích hoạt hệ thống được kết thúc và có sự hỗ trợ từ phía những người nuôi trẻ, não bộ và các cơ quan trong cơ thể sẽ tự động phục hồi lại những tổn thương.
  • Mức nguy hại xảy ra khi trẻ gặp phải những bất hạnh tồi tệ, diễn ra thường xuyên và kéo dài như bị lạm dụng thể chất và tinh thần, bị bỏ mặc trong thời gian dài, lạm dụng thuốc, các bệnh về tâm thần, tiếp xúc với bạo lực, đối mặt với những khó khăn về kinh tế trong gia đình,… mà không có sự hỗ trợ đầy đủ từ phía người lớn. Tình trạng kéo dài hoạt động hệ thống phản ứng sẽ phá vỡ sự phát triển của não bộ và các cơ quan trong cơ thể, làm gia tăng các chứng bệnh liên quan đến căng thẳng và suy giảm nhận thức khi trẻ trưởng thành.

Khi tình trạng phản ứng căng thẳng xảy ra liên tục, hoặc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, các phản ứng tình trạng căng thẳng gây nguy hại sẽ tích lũy lại, gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ trong quãng đời còn lại. Những bất hạnh thuở nhỏ càng tồi tệ, khả năng đình trệ phát triển cơ thể và nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, lạm dụng thuốc, và trầm cảm, càng lớn. Các nghiên cứu đã chỉ ra sự hỗ trợ từ phía người lớn khi trẻ còn nhỏ giúp ngăn chặn và phục hồi các tổn thương gây ra do các phản ứng tình trạng căng thẳng.

Sự hỗ trợ của người lớn khi trẻ gặp căng thẳng là điều vô cùng quan trọng (Nguồn ảnh: Internet) 

Hỏi đáp:

Tất cả các thể loại căng thẳng đều gây tổn hại cho cơ thể?

Không phải vậy. Việc kéo dài hoạt động của hệ thống phản ứng căng thẳng gây ra những tổn hại cho cơ thể, nhưng một số loại căng thẳng lại là một phần bình thường trong cuộc sống. Nắm rõ cách đối phó với căng thẳng là điều rất quan trọng trong chăm sóc trẻ. Chúng ta không cần thiết phải lo lắng khi trẻ ở trong tình trạng căng thẳng ở mức độ nhẹ, vì nó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hoặc ở mức chịu đựng được. Tuy căng thẳng nghiêm trọng nhưng lại được giảm thiểu nhờ sự hỗ trợ từ phía người lớn. Tuy nhiên, sự hoạt động kéo dài của hệ thống phản ứng căng thẳng gây ra bởi những bất hạnh dai dẳng, kèm theo sự lơ là từ phía người lớn, đặc biệt là trong những giai đoạn nhạy cảm trong quá trình phát triển ban đầu ở trẻ, có thể gây hại đến cấu trúc não bộ và các bộ phận cơ thể khác.

Điều gì khiến cho tình trạng căng thẳng trở nên nguy hại?

Các định nghĩa về ba mức độ: nhẹ, có thể chịu đựng được, và nguy hại, phản ánh sự tác động của hệ thống phản ứng căng thẳng lên cơ thể, không bao gồm các trải nghiệm tiêu cực gây ra tình trạng căng thẳng. Bởi sự phức tạp của hệ thống phản ứng, ba mức độ nêu trên không thể định lượng lâm sàng – mà chúng chỉ có thể phân biệt theo một cách đơn giản, dựa trên mức độ nghiêm trọng của các phản ứng tình trạng căng thẳng. Mức độ tác động đó được xác định một phần dựa trên những phản ứng sinh lý của cơ thể (thông qua cả hướng di truyền và khả năng sẵn sàng hỗ trợ giúp làm giảm các triệu chứng), và một phần dựa trên thời gian, bối cảnh, mức độ của những khó khăn, bất hạnh.

Làm thế nào để ngăn chặn hậu quả do căng thẳng nguy hại gây ra?

Biện pháp hiệu quả nhất là hạn chế những bất hạnh mà trẻ gặp phải, bao gồm lạm dụng nhiều lần, bị bỏ mặc trong trong thời gian dài, bệnh tâm thần, lạm dụng thuốc, tiếp xúc với bạo lực hoặc các mâu thuẫn lặp đi lặp lại. Để thực hiện thì cần có các biện pháp để giảm thiểu tình trạng căng thẳng, hoặc sự hỗ trợ đầy đủ, ổn định từ người chăm sóc trẻ. Nghiên cứu đã chỉ ra, ngay cả khi trẻ đang ở trong tình trạng căng thẳng, sự hỗ trợ từ phía người lớn khi trẻ còn nhỏ giúp ngăn chặn và phục hồi các tổn thương gây ra bởi các phản ứng tình trạng căng thẳng.

Khi nào thì chúng ta cần lưu tâm về tình trạng căng thẳng gây nguy hại?

Nếu như có ít nhất bố, mẹ, hoặc một người chăm sóc duy trì việc chăm sóc, hỗ trợ trẻ nhỏ, phần lớn các phản ứng tình trạng căng thẳng chỉ ở mức độ nhẹ hoặc chịu đựng được. Ví dụ, chưa có bằng chứng chỉ ra rằng, khi ở một nơi an toàn và ổn định, trẻ sơ sinh sẽ khóc trong khoảng từ 20 đến 30 phút, hay khi được rèn để ngủ qua đêm sẽ khiến trẻ lâm vào tình trạng căng thẳng gây nguy hại. Tuy nhiên, đã có khá nhiều bằng chứng chỉ ra rằng một môi trường hỗn loạn và bất ổn, như khi chuyển trẻ đến một nơi chăm sóc mới, phải chuyển nhà do khó khăn về kinh tế, hoặc gặp phải thảm họa thiên nhiên,… sẽ dẫn đến các phản ứng tình trạng căng thẳng trong thời gian dài. Sự hỗ trợ, quan tâm, chăm sóc kịp thời có thể làm giảm những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra, thông qua việc điều chỉnh hệ thống phản ứng về mức bình thường, Khi các yếu tố gây ra tình trạng căng thẳng trở nên nghiêm trọng và kéo dài, gia đình, bạn bè và cộng đồng cần có các biện pháp hỗ trợ cho trẻ để giải quyết những yếu tố đó, đồng thời cân bằng lại các mối quan hệ, từ đó bảo vệ trẻ khỏi những tác hại khôn lường có thể xảy ra.

Bài viết dịch theo Toxic Stress được xuất bản trên Developingchild.harvard.edu.