Gần 3.600 người ở châu Âu đã tham gia vào một nghiên cứu về tác động của không gian cây cối và không gian bao phủ bởi nước đối với sức khỏe tâm thần và khí lực. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc được tiếp xúc với thiên nhiên khi còn nhỏ sẽ giúp cải thiện sức khỏe tâm thần khi trưởng thành
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu Barcelona (ISGlobal- tổ chức được tài trợ bởi “la Caixa”) thực hiện tại bốn thành phố Châu Âu, những người được gần gũi với thiên nhiên từ nhỏ, khi trưởng thành sẽ có sức khỏe tâm thần tốt hơn so với những người ít được tiếp xúc.
Tiếp xúc với thiên nhiên được cho là có mối liên hệ nhất định với sức khỏe con người, giúp phát triển nhận thức nhanh hơn, cải thiện sức khỏe tâm thần và khí lực. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra tác động của việc tiếp xúc với thiên nhiên khi còn nhỏ đối với sức khỏe tâm thần và khí lực ở tuổi trưởng thành. Tuy vậy, phần lớn các nghiên cứu tập trung vào đến không gian cây cối (như vườn, rừng, công viên đô thị) hơn là không gian bao phủ bởi nước (như kênh, ao, lạch, sông, hồ, bãi biển, v.v.).
Tiếp xúc với thiên nhiên giúp cải thiện nhận thức và tăng cường sức khỏe con người (Nguồn ảnh: dlerfamilycentre.com.hk)
Một nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ dự án PHENOTYPE với dữ liệu thu thập từ gần 3.600 người trưởng thành đến từ 4 thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), Doetinchem (Hà Lan), Kaunas (Lít-va) và Stoke-on- Trent (Vương quốc Anh) về chủ đề này đã được đăng trên Tạp chí The International Journal of Environment Research and Public Health (Tạm dịch: Tạp chí Quốc tế về nghiên cứu môi trường và sức khỏe cộng đồng).
Trong nghiên cứu này, những người trưởng thành tham gia nghiên cứu trả lời bảng câu hỏi về tần suất tiếp xúc với môi trường tự nhiên khi còn nhỏ, bao gồm tiếp xúc có mục đích – ví dụ: dạo bộ trong công viên thiên nhiên – và tiếp xúc không có mục đích – ví dụ: chơi đùa ở sân sau nhà. Người tham gia cũng được hỏi về mức độ tiếp xúc và sự hài lòng về không gian tự nhiên nơi họ ở tại thời điểm hiện tại, cũng như tầm quan trọng của những không gian ấy đối với họ. Các tiêu chí về tình trạng sức khỏe tâm thần của những người tham gia, bao gồm sự lo lắng, trầm cảm trong vòng bốn tuần, và các tiêu chí về khí lực – như mức độ năng lượng, sự mệt mỏi – được xác định thông qua một bài kiểm tra tâm lý. Ngoài ra, những khu vực không gian xanh gần nơi họ sinh sống khi trưởng thành cũng được kiểm định bằng hình ảnh vệ tinh.
Kết quả cho thấy những người ít được tiếp xúc với thiên nhiên khi còn nhỏ đạt được số điểm thấp hơn so với những người được tiếp xúc thường xuyên khi thực hiện bài kiểm tra về sức khỏe tâm thần. Myriam Preuss, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho rằng: “Người ít tiếp xúc với môi trường tự nhiên khi còn nhỏ thì sẽ đánh giá thấp tầm quan trọng của môi trường tự nhiên”. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với môi trường tự nhiên khi còn nhỏ và mức độ khí lực cơ thể, hay sự hài lòng với môi trường thiên nhiên khi trưởng thành.
Wilma Zijlema, điều phối viên nghiên cứu, nhà nghiên cứu thuộc ISGlobal, nhấn mạnh rằng nghiên cứu trên “đã cho thấy vai trò của việc tiếp xúc với thiên nhiên khi còn nhỏ đối với sự phát triển nhận thức về tầm quan trọng của tự nhiên, cũng như cải thiện sức khỏe tâm thần khi trưởng thành.” Hiện có đến 73% dân số Châu Âu sống tại các khu vực thành thị bị hạn chế tiếp xúc với không gian xanh, và con số này dự kiến sẽ tăng lên đến hơn 80% vào năm 2050. “Chính vì thế, chúng ta cần phải nhận thức được hậu quả của việc để trẻ em lớn lên trong môi trường bị hạn chế tiếp xúc với thiên nhiên.”
Trẻ em được khuyến khích tiếp xúc với thiên nhiên (Nguồn: whatsonnetwork.co.uk)
Mark Nieuwenhuijsen, Giám đốc bộ phận Sáng kiến về Sức khỏe, Môi trường và Quy hoạch Đô thị thuộc ISGlobal, nói: “Nhiều trẻ em tại Châu Âu đang phải sống trong một môi trường bị bao quanh bởi 4 bức tường, do vậy, điều cần thiết lúc này là phải có thêm những không gian tự nhiên thật thú vị, an toàn để trẻ có thể vui chơi thỏa thích. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia, các hoạt động khám phá, tiếp xúc với thiên nhiên lại không phải là một phần thường xuyên trong chương trình học ở trường. Chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tạo ra nhiều hơn nữa những không gian tự nhiên dành cho trẻ em và không gian xanh tại các trường học.”
Bài viết được dịch theo Contact with nature during childhood could lead to better mental health in adulthood xuất bản 21/05/2019 trên tờ ScienceDaily.