9 Kinh nghiệm sinh ở Vinmec cho bố mẹ trẻ cực chi tiết

Việc chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, các giấy tờ thủ tục có liên quan trước khi sinh là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với những ai lần đầu làm bố mẹ. Để tiết kiệm thời gian, cũng như giúp quá trình sinh con trở nên thuận lợi, các bố mẹ hãy tham khảo bài viết kinh nghiệm sinh ở Vinmec sau đây nhé!

I. Kinh nghiệm sinh ở Vinmec dành cho bố

Dù người đi sinh là các mẹ nhưng các bố cũng chính là thành phần không thể thiếu để giúp đỡ tinh thần cũng như luôn có mặt những khi bác sĩ hay y tá gọi. Các bố hãy cùng xem qua những thủ tục và các bước chuẩn bị sau đây:

Chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé (Nguồn: giadinhvietnam.com)

quà tặng

1. Chuẩn bị đồ trước khi sinh cho mẹ và bé

Trước ngày dự sinh 4 – 5 ngày, các bố nên chuẩn bị và cho vào giỏ riêng những thứ cần thiết như:

Sổ khám thai và các giấy tờ tùy thân

Trong quá trình mang thai, các mẹ sẽ có những lần khám thai định kỳ tại bệnh viện và có giữ lại tất cả những hồ sơ này để bác sĩ có thể thuận tiện theo dõi cũng như biết trước tình hình thai kỳ và sức khoẻ của hai mẹ con. Một gợi ý nhỏ cho các bố để chăm chút cho các mẹ kĩ càng hơn, là hãy mua gói combo thẻ BHYT Vinmec trước ngày mẹ mang thai để có thể bớt nỗi lo về chi phí khi đi sinh tại đây. Những giấy tờ tùy thân bao gồm chứng minh thư, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế có hình của sản phụ, hoặc giấy chuyển viện (nếu có) cần chuẩn bị mỗi thứ 2 bản photo để nộp cho quầy thủ tục trước khi lên bàn sinh.

Đồ dùng cần thiết cho bé

Chuẩn bị túi đồ riêng để cất giữ bỉm hoặc tã giấy để thay, 4 – 5 bộ quần áo cả ngắn tay và dài tay, mũ trùm đầu, khăn ủ ấm, khăn dùng hằng ngày, tất bao tay chân, gạc rơ lưỡi, nước muối sinh lí, bình sữa, cốc thìa, bình ủ nước nóng, lon sữa phòng khi mẹ chưa kịp có sữa cho em bé bú. Ngoài ra, tùy theo điều kiện thời tiết mùa hè hay đông mà bạn cần chuẩn bị đồ cho phù hợp.

Đồ dùng cần thiết cho mẹ

Bao gồm: 4 – 5 bộ quần áo dài và ngắn cho mẹ mặc lúc ở viện và ngày về, đồng thời chuẩn bị đầy đủ mũ trùm đầu, bông y tế để mẹ bịt tai, tất chân, quần lót giấy dùng 1 lần, bỉm người lớn hoặc băng vệ sinh cỡ lớn. Các đồ dùng vệ sinh cá nhân như khăn, bàn chải, dầu gội khô để mẹ có thể vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Yếu tố thời tiết cũng là điểm các bố cần lưu ý kỹ để chuẩn bị thật chu đáo.

Theo review kinh nghiệm sinh ở Vinmec của mình thì các bố không cần chuẩn bị áo quần hay vật dụng ở trên quá nhiều vì bệnh viện có cung cấp, nhưng nếu muốn an tâm hơn thì cứ mang theo cũng được.

2. Đăng ký thủ tục nhập viện cho mẹ bầu

Tuỳ theo thể trạng và tình hình của thai phụ lúc đó mà các bác sĩ sẽ cho các mẹ vào phòng chờ sinh hay phòng sinh. Lúc này, các bố sẽ là người đến quầy thủ tục để nộp các giấy tờ nêu trên cho nhân viên bệnh viện. Tiếp đến, nhiệm vụ của các bố sẽ là đăng ký thủ tục sinh thường hay sinh mổ cho mẹ, có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện hoặc theo chỉ định của bệnh viện. Tiến hành đóng viện phí dự trù theo thông báo. Ngoài ra, nếu muốn các bố mẹ cũng có thể đăng ký dịch vụ lưu trữ máu cuống rốn chuyên biệt cho bé – nguồn tế bào gốc quan trọng để phòng cho việc chữa trị bệnh tật có thể xảy ra trong tương lai.

Theo kinh nghiệm sinh con ở bệnh viện Vinmec của mình thì việc đăng ký trước những gói dịch vụ thai sản cũng góp phần giúp các nhân viên bệnh viện chuẩn bị phòng ốc đầy đủ, nhanh chóng cho bạn sớm ổn định sau khi rời phòng sinh.

3. Nắm thông tin ekip bác sĩ hỗ trợ

Vào ngày sinh con, ekip hỗ trợ mình sinh đẻ tại Vinmec bao gồm: 2 bác sĩ đỡ đẻ, 2 y tá, 1 hộ lý, 1 bác sĩ khâu vết rạch tầng sinh môn (dùng chỉ khâu thẩm mỹ), 1 bác sĩ sơ sinh, 1 bác sĩ gây mê. Với sự giúp đỡ tận tình của đội ngũ y bác sĩ tài năng, mình đã mẹ tròn con vuông về nhà!

4. Phổ biến quy định cho khách tới thăm:

Tại Vinmec cũng như nhiều bệnh viện khác, có những quy định về thời gian thăm đẻ rõ ràng, bạn cần đọc và tuân thủ theo:

Thời gian thăm bệnh: Từ thứ 2 – thứ 7: 11h30 – 13h30 (sáng) và 16h30 – 21h00 (chiều – tối). Vào chủ nhật: 11h30 – 21h00. Ngoài những giờ này ra, nếu người nhà bạn muốn vào thăm hay có việc cần đều phải có sự đồng ý của bệnh viện.

Thủ tục đăng ký thăm bệnh: Đăng ký thủ tục thăm tại quầy ở tầng 1 hoặc tầng hầm B1, nhận thẻ ra vào và để lại giấy tờ tùy thân. Sau đó, đến khoa sản và phòng mà người nhà đang nằm theo hướng dẫn nhân viên bệnh viện. Tiến hành mặc áo choàng, đeo khẩu trang y tế và đi dép chuyên dụng khi được yêu cầu. Vào thăm đúng phòng đúng khoa, không nên đi sang các nơi khác. Ra về đúng giờ quy định, trả thẻ và nhận lại giấy tờ đầy đủ.

Quy định thăm: Người nhà phải có thẻ ra vào, mỗi lần vào thăm chỉ được 2 người và thời gian thăm mỗi lượt là 30 phút. Người nhà không được giặt phơi đồ ở bệnh viện, không được tự ý dùng các thiết bị y tế nếu không được cho phép. Ngoài ra, nếu cần ở lại qua đêm, hãy đăng ký với điều dưỡng và luôn tôn trọng những quy định bệnh viện đề ra như không hút thuốc hay làm ồn và không tự ý can thiệp vào vấn đề chuyên môn của y bác sĩ. Nếu cần giải quyết các vấn đề liên quan đến sản phụ và em bé, hãy liên hệ trực tiếp với điều dưỡng hoặc trưởng khoa trực.

5. Làm thủ tục cho mẹ bầu có BHYT và thanh toán viện phí

Trước khi các mẹ lên bàn sinh, các bố sẽ tiến hành làm thủ tục nhập viện và tiến hành đóng viện phí tạm ứng trước. Trong quá tình này, cần để ý kĩ đến thời hạn sử dụng của thẻ đồng thời xem thử là BHYT cùng tuyến hay trái tuyến để dễ dàng thanh toán hơn về sau.

Thẻ BHYT cùng tuyến: có ảnh của sản phụ, phải còn hạn sử dụng, kèm theo là chứng minh thư hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh khác. Nếu trước đó bạn chưa đăng ký khám thai định kỳ ở Vinmec thì cần phải có giấy chuyển bệnh nhân BHYT theo mẫu 2/BYT.

Thẻ BHYT trái khuyến: còn hạn sử dụng, kèm theo giấy chuyển viện theo quy định của Bộ y tế. Nếu chuyển qua trung gian, bạn cần có giấy chuyển viện của bệnh viện ban đầu đến bệnh viện trung gian.

Nếu trước đó các mẹ đã mua chương trình thai sản trọn gói giá ưu đãi, với chi phí này thì mình xác định sẽ được thanh toán từ A đến Z nhưng ngoài ra, nếu gia đình có sử dụng những dịch vụ như thuê giường ngủ cho người nhà hay các khoản thuốc men lặt vặt không nằm trong gói và không thuộc diện thanh toán BHYT thì hãy lưu ý và thanh toán đầy đủ cho bệnh viện.

II. Kinh nghiệm sinh ở Vinmec cho mẹ bầu

6. Trước khi sinh nên ăn gì cho dễ sinh

Khi mang thai, các mẹ đặc biệt lưu ý đến việc học hỏi kinh nghiệm chăm sóc tiền sản cho bản thân tốt để luôn cảm thấy thật thoải mái và dễ chịu nhất có thể để hỗ trợ tốt hơn cho ngày đi sinh.

Thời gian gần và trong quá trình chuyển dạ cơ thể bạn sẽ luôn cần cung cấp một nguồn năng lượng tốt để cơ thể đủ sức duy trì trong suốt thời gian lên bàn sinh. Nhưng cần nhớ lúc này dù có đói bạn không được ăn một cách ồ ạt hay dồn một lần mà hãy chia nhỏ bữa ra, ăn từng chút một. Những loại thức ăn bạn nên ăn như là

  • Bánh mì sandwich cùng với mứt cho có vị dễ ăn
  • Các loại bánh quy lạt
  • Sữa chua
  • Ngũ cốc
  • Súp ấm

Đặc biệt lưu ý uống đủ nước, uống từng chút một, không được uống nước có gas. Đừng sợ hãi việc uống nước liên tục sẽ khiến bạn thường xuyên mắc tiểu, bởi việc đi vệ sinh này cũng giúp cơ thể bạn hoạt động tốt và giúp ích cho việc sinh con hơn.

Các loại thức ăn mẹ bầu cần tránh:

  • Thực phẩm giàu chất béo sẽ khiến bạn mệt mỏi do hệ tiêu hóa phải hoạt động nhiều.
  • Đồ ngọt tuy bổ sung nhanh nguồn năng lượng nhưng chỉ duy trì trong thời gian ngắn thôi. Mẹ sẽ nhanh nhanh muốn ăn thêm món nào đó nữa đấy.
  • Đồ cay nóng dễ khiến em bé sinh ra có thể bị táo bón.

7. Thư giãn tinh thần thoải mái

Trước khi lâm bồn, các mẹ thường lo lắng và đặt câu hỏi mang gì khi sinh nhưng đến với hệ thống bệnh viện Vinmec việc đó trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Các mẹ sẽ được đưa vào phòng có đầy đủ tivi, trang thiết bị hiện đại, các vật dụng cần thiết cho cả mẹ và bé nên hãy yên tâm khi đã chọn Vinmec là nơi tin tưởng để đón chào đứa con yêu của mình nhé. Tại phòng này, các anh chồng hay mẹ của bạn cũng được vào theo để check – in khi chờ sinh chứ bạn không phải chinh chiến một mình từ đầu đâu. Lúc vào phòng sinh các bố cũng sẽ được vào theo để cổ động tinh thần các mẹ nên không có gì lo lắng cả.

Phòng riêng sau sinh với trang thiết bị hiện đại, đầy đủ tại Vinmec (Nguồn: giakimdecor.com)

Mẹ lưu ý thêm nữa là:

  • Tại phòng chờ sinh, mẹ sẽ được tháo thụt và ăn đúng giờ theo quy định của bác sĩ. Chẳng hạn như bữa ăn lúc 11 giờ trưa mà 4 giờ chiều đã đói tong teo rồi thì có thể uống thêm sữa để tránh no vào giờ ăn kế tiếp nhé.
  • Một số thuốc giảm đau gây tê ngoài màng sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn trong dạ dày nên mẹ nhớ uống thêm nước từng chút một nhé.
  • Nếu mẹ sinh mổ thì để tránh đồ ăn trào ngược vào phổi, bác sĩ sẽ chỉ định không dung nạp thêm món nào nữa đấy.
  • Quá trình từ lúc nhập viện tới khi sinh mất thời gian khá lâu, nên gia đình người thân cũng cần chuẩn bị ăn uống đúng bữa đầy đủ nữa.

8. Sau khi sinh mẹ cần lưu ý gì?

Khi đến sinh con tại Vinmec, bạn không phải mang gì theo ngoại trừ áo quần để mặc theo ý thích hoặc quần áo mà bạn đã chọn sẵn cho con yêu thôi. Mỗi mẹ sẽ được các y tá tặng cho mình 1 túi to bỉm hãng Merries, quần áo cho bé, băng vệ sinh cho mẹ hãng Laurier loại siêu to siêu dày, dung dịch vệ sinh tốt, sữa tắm, dầu gội, v.v… Nhiều mẹ không an tâm thì cứ mang theo đồ của mình đã chuẩn bị nhưng thực chất đến nơi rồi bạn sẽ biết là không cần đem gì cả.

Sau khi sinh, trong vòng 30 ngày cả mẹ và bé sẽ được tái khám 1 lần để kiểm tra những vấn đề vệ hậu sản nữa.

Chăm sóc và hướng dẫn sau sinh của Vinmec dành cho các sản phụ 

9. 8 Việc cần làm cho mẹ bầu sau khi sinh em bé

Sau khi sinh, trạng thái tinh thần lẫn thể lực của các mẹ chắc chắn bị ảnh hưởng rất nhiều. Dù khi sinh ở Vinmec bạn sẽ được chăm sóc chu đáo và cẩn thận, từ bữa ăn cho đến giấc ngủ và hoạt động thể chất nhưng các mẹ hãy cố gắng thực hiện các việc cần thiết sau đây để nhanh chóng lấy lại sức:

Cố gắng vận động, đặc biệt những mẹ sinh mổ. Việc vận động sẽ giúp cơ thể nhanh phục hồi, các cơ quan và hệ tuần hoàn sẽ được lưu thông và hoạt động tốt hơn. Giúp các mẹ phòng được những biến chứng của thời kỳ hậu sản.

Cho bé bú ngay khi mẹ rời phòng sinh. Điều này sẽ giúp con tăng sức đề kháng, giúp tử cung của mẹ sớm phục hồi và giảm tình trạng băng huyết sau sinh.

Đừng ngại dùng thuốc giảm đau. Đối với những mẹ sinh mổ, những cơn đau từ vết mổ khi hết thuốc tê sẽ làm bạn thấy khó chịu và thậm chí choáng váng. Vì thế, hãy sử dụng thuốc giảm đau do bác sĩ cung cấp để đảm bảo bản thân không chịu đựng những cơn đau quá sức.

Lưu ý đến sản dịch. Đối với các mẹ sau sinh thì trong 3 – 4 ngày đầu, sản dịch sẽ chảy ra từ âm đạo với màu đỏ tươi, khoảng đến ngày 10 thì bắt đầu màu nâu nhẹ giống như đến tháng. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của tử cung, nếu không có hiện tượng này xảy ra thì bạn cần báo ngay với bác sĩ vì có thể dẫn đến tình trạng băng huyết hay sót nhau, nhiễm trùng hậu sản, v.v…

Không cố gắng bế hay ẵm con. Khi cơ thể chưa thực sự phục hồi, nhất là các mẹ sinh mổ, nếu vì thương con mà cố gắng nâng đỡ ẵm bồng cho bú thì có thể ảnh hưởng đến vết khâu, làm mẹ đau đớn thêm.

Ẳn nhiều thức ăn có chứa chất xơ. Phụ nữ sau sinh thường hay táo bón. Vì thế bạn cần chú ý bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ, uống nhiều nước và năng vận động để việc đi đại tiện trở nên dễ dàng hơn. Thậm chí có thể sử dụng những loại thuốc giúp làm mềm phân do bác sĩ chỉ định để hỗ trợ quá trình đi vệ sinh.

Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Để tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn sau sinh, các mẹ cần lưu ý đến việc tắm rửa cẩn thận. Nhất là ở nơi vết mổ chưa lành miệng, các mẹ hãy chú ý dùng băng gạc đặt trên vết mổ để tránh mồ hôi hay nước bắn trực tiếp vào.

Chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt. Để nuôi con khỏe các mẹ cũng cần có năng lượng tốt. Vậy nên sau khi sinh về, các mẹ hãy nạp cho mình đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết nhất để nhanh chóng lấy lại sức, phục hồi thể lực để chính chiến tiếp trong chặng đường chăm con sắp tới!

Hy vọng với những chia sẻ kinh nghiệm sinh ở Vinmec ở trên sẽ giúp cho các bố mẹ đỡ bỡ ngỡ hơn trong lần đầu đến bệnh viện, đồng thời có thêm kiến thức tốt để giúp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe mẹ và bé thật tốt!